Giá vàng lập đỉnh, rủi ro cỡ nào?

Thứ 7, 09.03.2024 | 09:53:44
549 lượt xem

Giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh gây lo ngại khi có thể tác động đến nền kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất - kinh doanh

Ngày 8-3, giá vàng nhẫn ghi nhận mốc đỉnh lịch sử mới khi vượt 69 triệu đồng/lượng trong khi vàng miếng SJC cũng duy trì vùng đỉnh với giá mua vào - bán ra là 79,8 - 81,8 triệu đồng/lượng.

Lực cầu vàng nhẫn tăng vọt

Thị trường vàng năm nay diễn biến khá bất ngờ khi giá vàng và nhu cầu vàng không giảm sau ngày Thần Tài (mùng 10 tháng giêng). Ngược lại, giá vàng trong nước liên tục đi lên, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.

Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên, ngày 8-3, nhu cầu mua vàng của người dân tiếp tục tăng, tập trung vào vàng nhẫn. Tại trụ sở chính Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC, quận 3, TP HCM), dù không diễn ra tình trạng đổ xô mua vàng song khách ra vào cũng khá nhộn nhịp, trong đó đa phần hỏi mua vàng nhẫn trơn và bán vàng miếng SJC.

Theo các công ty kinh doanh vàng, giá vàng trong nước gần đây tăng mạnh do ảnh hưởng từ đà tăng của kim loại quý này trên thị trường thế giới. Cuối ngày 8-3 (giờ Việt Nam), vàng thế giới giao dịch ở mức 2.161 USD/ounce (tương đương 64,8 triệu đồng/lượng).

Bà Hàn Thị Bình, chủ tiệm vàng ở khu vực chợ Gò Vấp (TP HCM), cho hay trong ngày 8-3, khách hàng đến giao dịch khá đông. Nhiều người trong số họ là khách quen, khi thấy giá vàng liên tục tăng trong khi lãi suất tiết kiệm quá thấp thì quyết định mua vàng để cất giữ. Ngược lại, không ít người tranh thủ giá vàng liên tục lập đỉnh để bán ra kiếm lời.

Tại một số cửa hàng của thương hiệu vàng SJC, PNJ, DOJI ở TP HCM, nhân viên bán hàng cho biết giao dịch mua vàng nữ trang tăng cao trong dịp lễ 8-3 để làm quà tặng. Cũng có trường hợp người dân kỳ vọng giá vàng còn tăng theo nhịp thế giới nên mua số lượng không nhỏ để đầu tư.

Giá vàng trong nước liên tiếp phá đỉnh cũ phần nào tác động đến tỉ giá và có thể làm giảm thêm sức hấp dẫn của kênh huy động vốn ngân hàng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Giá vàng trong nước liên tiếp phá đỉnh cũ phần nào tác động đến tỉ giá và có thể làm giảm thêm sức hấp dẫn của kênh huy động vốn ngân hàng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tác động tới tỉ giá chưa đáng kể

Khi giá vàng miếng SJC biến động quanh vùng 81,5 - 82 triệu đồng/lượng, ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý ASEAN (AJC), cho rằng một số nhà đầu tư có xu hướng chốt lời loại vàng này. Trong khi đó, với giá vàng nhẫn đang ở vùng cao hơn giá vàng thế giới khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/lượng, người dân đang mua vàng nhẫn nhiều hơn bán ra. Nếu tình trạng này tiếp tục lan rộng sẽ kích thích gia tăng nhập vàng tiểu ngạch.

 "Khi đó, giá USD trên thị trường tự do sẽ tăng mạnh, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ, ảnh hưởng không tốt đến tỉ giá VNĐ/USD, tác động không tích cực đến kinh tế vĩ mô" - ông Đang nhận định.

Liên quan nỗi lo vàng lậu có thể tràn về qua đường biên mậu, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết nguyên liệu vàng nhập khẩu không chính thức sẽ không sản xuất được vàng miếng SJC. Do vậy, vàng nhập lậu chỉ có thể cung ứng cho các tiệm nhỏ lẻ. Mặt khác, các cơ quan chức năng luôn tăng cường kiểm tra nên nhập khẩu vàng lậu nếu có cũng chỉ nhỏ giọt, số ngoại tệ chảy ra nước ngoài không đáng kể, tác động không nhiều đến tỉ giá.

Theo ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), trong bối cảnh các công ty không được cấp phép nhập khẩu vàng, nhu cầu mua vàng nhẫn nhiều hơn trong khi số lượng bán ra ít hơn bình thường khiến nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thiếu hụt thêm. 

"PNJ hiện ưu tiên nguồn nguyên liệu để sản xuất trang sức - mảng kinh doanh chính của công ty, không ưu tiên sản xuất vàng nhẫn nên có hiện tượng thiếu vàng nhẫn so với nhu cầu đang tăng của khách hàng" - ông Thông giải thích.

Cũng theo ông Lê Trí Thông, quy mô thị trường vàng hiện nay không còn lớn như trước, thị trường vàng trong nước cũng không liên thông với thế giới nên không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng. Các yếu tố này hỗ trợ tỉ giá chưa bị tác động bởi giá vàng trong nước tăng cao.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, giá vàng tăng cao trong khi lãi suất huy động đang thấp có thể gây rủi ro ở mức nhất định đối với nền kinh tế. Bởi một phần nguồn tiền trong dân sẽ chảy vào kênh đầu cơ vàng thay vì gửi tiết kiệm ở ngân hàng để từ đó đưa ra nền kinh tế, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/gia-vang-lap-dinh-rui-ro-co-nao-196240308221651483.htm

  • Từ khóa