Chàng trai vàng Olympic Hóa đi ngược số đông

Thứ 2, 15.02.2021 | 10:08:33
365 lượt xem

Trong khi hầu hết học sinh giành giải vàng Olympic Hóa đều du học, riêng Đức Anh học trong nước và sau hai năm bắt đầu nhận những trái ngọt.

Mở lại bài báo cách đây hai năm rưỡi với tựa đề "Giành hai huy chương vàng Hóa, nam sinh quyết không du học", Phạm Đức Anh, sinh viên năm ba ngành Y khoa, Đại học Y Hà Nội, mỉm cười, ánh mắt đầy tự hào.

Kéo xuống phần bình luận, đọc lại lời khuyên của mọi người nên du học, Đức Anh nhớ lại thời điểm đó, rất nhiều người dành lời khuyên như vậy cho em. Ngày nào các trung tâm tư vấn du học cũng nhắn tin, gửi email. Điểm lại danh sách học sinh từng giành huy chương vàng Olympic hai năm liên tiếp, chỉ mình em không làm hồ sơ du học mà kiên định chọn Đại học Y Hà Nội.

"Ngay từ lúc đó, em tin lựa chọn của mình là đúng, gia đình cũng tin em. Khẳng định dù đạt 10 huy chương vàng cũng sẽ học Y ở Việt Nam bởi em muốn làm bác sĩ ở Việt Nam. Chỉ học ở Việt Nam, em mới được tiếp xúc sớm với các bệnh mà người Việt hay gặp và có định hướng chuyên sâu cho mình", Đức Anh nói.

Phạm Đức Anh hiện là sinh viên năm ba Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm.

Phạm Đức Anh hiện là sinh viên năm ba Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm.

Đức Anh nhớ lại thời điểm mới vào trường hồi tháng 8/2018, thông tin em giành huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế hai năm liên tiếp (2017, 2018) đầy các mặt báo và mạng xã hội. Em lại được chọn làm lớp trưởng. Điều đó khiến các bạn trong lớp cảm thấy em khác biệt.

Nhưng Đức Anh không muốn vậy. Em không cố thể hiện mình đặc biệt vì nghĩ những giải thưởng kia đã là quá khứ. Bước chân vào trường Y, cùng môi trường học tập, cùng ước mơ trở thành bác sĩ, nhân viên y tế giỏi thì ai cũng như ai. Vì vậy, Đức Anh không bao giờ nhắc đến thành tích cá nhân, cố gắng gần gũi các bạn, tích cực tham gia hoạt động phong trào như nhiều sinh viên khác.

Ngay từ năm nhất đại học, Đức Anh đã tham gia Đoàn thanh niên trường cùng hai câu lạc bộ là Tiếng Anh và Sinh viên học tập tích cực và nghiên cứu khoa học bởi mong muốn được phát triển khả năng tiếng Anh cũng như bắt đầu làm quen với việc nghiên cứu ngay từ những ngày đầu. Đến năm hai, từ ý tưởng của thầy cô trong trường về một câu lạc bộ tài năng trẻ trường Y với những bạn được tuyển thẳng, có đầu vào xuất sắc và có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Đức Anh đã tham gia và trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ.

Với chàng trai vàng Hóa học, việc tham gia các câu lạc bộ đem lại rất nhiều thứ. Chẳng hạn vào câu lạc bộ Tiếng Anh, em được rèn luyện trong môi trường toàn bằng tiếng Anh qua các cuộc thảo luận, thuyết trình, có cơ hội giao lưu với giáo sư, sinh viên Y nước ngoài, hỗ trợ hội nghị mang tầm quốc gia, quốc tế. "Rõ ràng không cần du học, em vẫn có thể có thêm nhiều người thầy, người bạn quốc tế mới thông qua những hoạt động này", nam sinh nói.

Với câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, Đức Anh được học những điều cơ bản để bước vào con đường nghiên cứu. Em được làm việc cùng các thầy cô tại Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein của trường. Năm thứ hai, em đã trở thành đồng tác giả bài báo về bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam mắc Primary Hypertrophic Osteoarthropathy (chưa có tên tiếng Việt) đăng trên tạp chí Journal of Clinical Rheumatology (Lâm sàng khớp) với hệ số ảnh hưởng IF 2.36.

Đức Anh thăm khám cho bệnh nhân trong một buổi học lâm sàng ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đức Anh thăm khám cho bệnh nhân trong một buổi học lâm sàng ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện, Đức Anh đã bước vào giai đoạn sáng học lý thuyết ở trường, chiều học lâm sàng ở viện. Việc học lâm sàng cũng giúp em mở mang nhiều điều dù mới tham gia được 5 buổi ở Bệnh viện Bạch Mai và Lão khoa Trung ương.

Đức Anh kể lại ngày đầu tiên học ở viện cũng là ngày đầu tiên em phải trực ở một khoa nổi tiếng vất vả là C1 Tim mạch của Bạch Mai (Cấp cứu tim mạch). Lúc đó, Đức Anh bối rối không biết phải làm gì nên gặp thầy cô, anh chị nào em cũng hỏi xem cần làm gì, hỗ trợ gì, thậm chí đứng ở đâu.

"Em rất lo không giúp được gì. Nhưng may mắn các anh chị dù tất bật vẫn nhiệt tình hướng dẫn em và các bạn", Đức Anh nói. Trong đêm đó, em cũng được theo dõi huyết áp, mạch của bệnh nhân, hỗ trợ chuyển bệnh nhân rồi xử lý giấy tờ.

Nguyên một đêm không ngủ, thời gian ngồi chỉ khoảng 15-20 phút, còn lại là đứng. Lần đầu tiên thức trắng đêm trong đời khiến Đức Anh thêm thấu hiểu sự vất vả và trách nhiệm của nghề y, nhưng em vẫn rất vui vì học được nhiều kỹ năng chưa được học trong trường.

Không chỉ buổi trực đó, với những buổi trực sau ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương, dù công việc ban đêm không nhiều, Đức Anh cũng quyết định không ngủ bởi cho rằng các bác sĩ, y sĩ làm cả ngày đã mệt mỏi rồi. Họ cần được nghỉ ngơi còn mình trẻ khỏe có thể thức đêm để chăm sóc bệnh nhân. Dù thế nào, bệnh nhân cũng cần nhận được sự chăm sóc tốt nhất một cách thường xuyên.

Bệnh nhân ở viện là các ông bà già, trong đó nhiều người bị Parkinson hay Alzheimer. Được ông bà kể cho nghe về bệnh tình, hoàn cảnh gia đình, Đức Anh xúc động nên tranh thủ giúp được gì sẽ giúp, dù chỉ là kê lại chiếc gối hay lấy cốc nước. "Việc khiến ông bà cảm thấy yên tâm cũng góp phần giúp việc điều trị tốt hơn", nam sinh chia sẻ quan điểm.

Phạm Đức Anh (thứ hai từ phải sang, hàng đầu) chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phạm Đức Anh (thứ hai từ phải sang, hàng đầu) chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu dự Đại hội Đảng XIII. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đã học xong 5 học kỳ với kết quả học tập kỳ nào cũng đạt loại giỏi (trên 8.0), cùng thành tích nghiên cứu khoa học và hai giải vàng Olympic quốc tế hồi phổ thông, Đức Anh được Trung ương Đoàn đánh giá là sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu khoa học. Em là sinh viên duy nhất được lựa chọn làm đại biểu khách mời tham dự Đại hội XIII của Đảng.

"Em đã rất bất ngờ khi nhận được thông tin tham dự Đại hội Đảng. Em hỏi đi hỏi lại xem có đúng không. Trước giờ, em chỉ nghe qua báo đài, TV, sách vở. Lần đầu được tham dự lại là sinh viên duy nhất khiến em hồi hộp, nhưng vẫn rất vui và tự hào", Đức Anh nói.

Dù chỉ được dự phiên khai mạc và bế mạc, Đức Anh đã học hỏi được nhiều từ các đại biểu, đặc biệt là đoàn 10 thanh niên tiêu biểu. Được tiếp thêm động lực, Đức Anh tự hứa cố gắng học tập, trau dồi chuyên môn, tiếng Anh cũng như mở rộng mối quan hệ trong ngành Y. Em hy vọng sau 6 năm có thể học tiếp bác sĩ nội trú và làm tiến sĩ. Đức Anh có thể tiếp cận cơ hội học bậc cao hơn ở nước ngoài nhưng vẫn khẳng định sẽ làm bác sĩ tại Việt Nam.


Theo Vnexpress.net

https://vnexpress.net/chang-trai-vang-olympic-hoa-di-nguoc-so-dong-4233893.html

  • Từ khóa