Nên duyên từ nghiệp gieo chữ vùng cao

Thứ 3, 06.12.2022 | 15:44:12
853 lượt xem

Trong lúc tình trạng giáo viên bỏ nghề vẫn là vấn đề nổi cộm khiến ngành giáo dục trăn trở tìm giải pháp, thì tại nhiều địa phương, vượt qua khó khăn, thiếu thốn, có những thầy cô giáo vẫn tình nguyện lên với vùng cao gieo chữ. Trên vùng cao nguyên đá, nhiều người đã nên duyên vợ chồng.

Vun vén những ngôi trường hạnh phúc

Quê ở Tuyên Quang, thầy giáo Ngô Thế Nêm lên công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đến nay đã được 20 năm. Khó khăn chồng chất nhiều như đá trên cao nguyên, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, vậy nhưng thầy Nêm cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã ở lại, gắn bó và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng cao. 

Nhớ về những ngày mới lên Mèo Vạc công tác, thầy Nêm chia sẻ: “Những ngày ấy quá kinh khủng chứ không phải sợ. Để lên được đây chỉ có cách đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Cuộc sống không điện, không đường giao thông, rào cản ngôn ngữ... khiến mình cũng muốn khóc và không ít lần dao động tư tưởng, nhưng giờ mọi thứ thay đổi nhiều và mình cũng không có ý định chuyển về nữa”.

Nên duyên từ nghiệp gieo chữ vùng cao
 

Giáo viên vẫn kiên trì bám bản, bám lớp tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Từng có quy định, thầy giáo 5 năm, cô giáo 3 năm công tác ở vùng sâu sẽ được luân chuyển về quê hương tiếp tục làm giáo viên, nhưng chế độ ấy ít khi thành hiện thực. Thiệt thòi, khó khăn là vậy, nhưng đổi lại các thầy cô tìm được ý nghĩa lớn lao trong công việc mình làm, có được tình yêu của người dân nơi đây.

Đó cũng là tâm sự của cô giáo Tăng Thị Hoàn, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Giàng Chu Phìn. Cô Hoàn kể: “Bản thân tôi cũng ở nông thôn, cũng khó khăn, vất vả nhưng khi lên đây mới thấy bà con còn thiếu thốn hơn mình rất nhiều, nên rất đồng cảm. Hơn nữa tôi cũng rất thương học sinh, có em lớn rồi chưa biết chữ. Các em là động lực giúp tôi ở lại với mảnh đất này”.

Cùng gieo chữ trên mảnh đất núi đá, tình yêu của thầy Nêm và cô Hoàn cũng nảy mầm và trở thành một trong nhiều cặp vợ chồng cùng nhau bám bản. Bằng tình yêu nghề, yêu trò và yêu nhau, họ đã vun vén nên những ngôi trường hạnh phúc.

Càng khó khăn, càng sát cánh bên nhau

Trường PTDTBT Tiểu học, Trung học cơ sở Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là nơi có đến 13 cặp vợ chồng đều là các thầy cô giáo. Họ từ nhiều miền quê xung phong lên các điểm trường khó khăn nhất của vùng cao công tác và xây dựng gia đình. Trước “làn sóng” di cư của giáo viên vùng cao về đồng bằng cũng như tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, lãnh đạo các nhà trường luôn đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện.

Thầy giáo Lương Minh Hoạt, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học, Trung học cơ sở Sà Phìn cho hay: “Giữ chân các thầy cô giáo cũng là việc khá vất vả. Khi các thầy cô lập gia đình tại đây thì họ sẽ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài hơn. Bởi vậy, mỗi cặp đôi nên duyên cũng là niềm hạnh phúc của trường”.

Bữa cơm của vợ chồng thầy Nông Văn Tiệp, cô Tô Thị Thủy được chuẩn bị đơn sơ, vội vàng sau giờ tan trường. Đã gần chục năm xa gia đình lên đây công tác, dạy cùng nhau, ở cùng nhau nhưng mỗi năm cũng chỉ đôi lần hai vợ chồng mới có thể cùng nhau về thăm nhà, thăm con. Cuộc sống nơi vùng cao thiếu thốn đủ thứ nhưng có một thứ không bao giờ thiếu với vợ chồng thầy Tiệp, cô Thủy, đó chính là sự lạc quan.

Cô Tô Thị Thủy, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học, Trung học cơ sở Sà Phìn tâm sự: “May mắn được gắn bó với trường đã 10 năm. Tổ ấm của những giáo viên nơi đây thường được xây bằng tinh thần lạc quan và cả sự hy sinh. Những đứa trẻ chịu thiệt thòi hơn cả khi cả bố và mẹ đều là giáo viên vùng cao. Hầu hết các con đều phải xa bố mẹ khi mới vài tuổi, thậm chí là mười tháng tuổi. Cắm bản cũng đồng nghĩa với việc “gửi” con mình để chăm con người theo đúng nghĩa”.

Cách nhà quãng đường gần 300km, thầy Vũ Văn Chiến thường giật mình mỗi đêm khi nghe tiếng điện thoại. Điện thoại đêm tức là gia đình có chuyện. Có những đêm, mẹ già gọi điện nói con sốt gần 40 độ, lo lắng mà không làm gì được, thầy Chiến phải nhờ bạn đưa con đi viện.

Không ngại khó, không ngại khổ, mạnh mẽ và kiên cường giữa muôn vàn khó khăn nơi vùng cao bao nhiêu thì họ lại dễ rơi nước mắt bấy nhiêu mỗi khi nhắc về con, về gia đình. Mỗi cặp đôi là một hoàn cảnh. Càng khó khăn, họ càng yêu thương, nương tựa và sát cánh bên nhau. Lấy nhau được 16 năm thì 13 năm vợ chồng thầy Phùng Văn và cô Lương Thị Nhi phải sống xa con. Sống quanh năm ở trên núi, họ cùng công tác tại điểm Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Sính Lủng, huyện Đồng Văn, cách nhà cả ngày đi đường. Nhớ con, hai vợ chồng chỉ biết động viên lẫn nhau. Cô Lương Thị Nhi kể: “Thời điểm bố mẹ chồng ốm, hai vợ chồng không về được vì cả đi và về cũng mất mấy ngày, mà học sinh thì không thể nghỉ học. Những lúc ấy, bố mẹ cũng động viên để mình yên tâm ở lại trường”.

Có hàng trăm nỗi vất vả không thể đo đếm được từ cuộc sống, công việc của các thầy cô giáo vùng cao, nhưng nhiều người đã không bỏ cuộc. Có lẽ trong sự nhọc nhằn, người thầy đã tìm thấy niềm hạnh phúc. Vùng cao giờ đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Ở nơi ấy bằng tình yêu nghề, tình yêu đôi lứa, họ đã vun vén nên những ngôi trường hạnh phúc. 


ĐỖ TRANG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nen-duyen-tu-nghiep-gieo-chu-vung-cao-713081

  • Từ khóa