Tân sinh viên bước khỏi "vùng an toàn"

Chủ nhật, 24.09.2023 | 08:51:57
498 lượt xem

Vừa tạm biệt mái trường phổ thông để bước vào giảng đường đại học, nhiều sinh viên không ngần ngại với những công việc làm thêm

Có nhiều lý do để các tân sinh viên nhanh chóng tìm kiếm việc làm thêm: Muốn có thêm thu nhập và kinh nghiệm hoặc đơn giản là thử sức với bao điều mới mẻ mà thời học sinh chưa thực hiện được.

Quý trọng đồng tiền hơn

Hơn một tháng qua, Bùi Quang Anh, sinh viên Trường ĐH RMIT, đã quen dần với việc đến nhà hàng The Fish Sauce ở quận 1, TP HCM làm thêm sau những giờ lên giảng đường.

Như đa số sinh viên năm nhất, Quang Anh cũng gặp nhiều bỡ ngỡ ở môi trường học tập mới. Áp lực lớn nhất của chàng trai quê Hà Nội này là làm sao cân bằng giữa việc học tập và đi làm. May thay, thời khóa biểu của trường cho phép sinh viên có nhiều thời gian tự học cũng như đầu tư phát triển bản thân nên Quang Anh có thể linh hoạt sắp xếp đi làm mà không ảnh hưởng đến việc học.

Tân sinh viên bước khỏi vùng an toàn - Ảnh 1.

Bùi Quang Anh (bìa trái, hàng đầu) được nhiều người đón nhận và hỗ trợ nhiệt tình khi đi làm thêm

"Đi học xa nhà và chưa kết giao được nhiều bạn bè thân thiết, việc làm thêm giúp tôi cảm thấy năng động và cải thiện đời sống tinh thần rất nhiều" - Quang Anh bày tỏ.

Dù cha mẹ vẫn lo hầu hết chi phí học hành và sinh hoạt nhưng điểm khác biệt rõ rệt sau khi Quang Anh đi làm thêm là đã biết cách quản lý tài chính hiệu quả. Trước đây, Quang Anh thường tiêu xài đến ngưỡng giới hạn nhưng giờ đã có ý thức tiết kiệm, biết quý trọng đồng tiền.

Không chỉ sinh viên xa quê lo tìm việc làm thêm để tích lũy thu nhập và vốn sống, các bạn trẻ ở thành phố cũng không bỏ qua cơ hội mở rộng giới hạn của bản thân. Nguyễn Thị Quỳnh Nga, tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, đang là nhân viên một thương hiệu trà sữa nổi tiếng. Cô gái 18 tuổi này không ít lần đối mặt thử thách vì các yêu cầu khó "nhằn" của khách hay sự lúng túng khi chưa thạo việc.

Tuy vậy, Nga vẫn rất hào hứng vì "công việc không quá vất vả, làm quen được nhiều bạn mới". Cô thấy vui với thành quả lao động của mình, gặt hái được kỹ năng thiết thực và phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Tân sinh viên bước khỏi vùng an toàn - Ảnh 2.

Quỳnh Nga thêm phần tự tin khi có thể chủ động hơn trong việc chi tiêu, trang trải cho cuộc sống sinh viên


Làm đầy hành trang trưởng thành

Một trong những động lực thúc đẩy khá nhiều tân sinh viên mạnh dạn bước ra khỏi "vùng an toàn" bảo bọc, chăm lo của gia đình là nhu cầu được khám phá năng lực bản thân. Nhiều chàng trai, cô gái tuổi 18-20 luôn khao khát rèn luyện và không ngại khó, ngại khổ "nâng cấp" mình để trở nên hoàn thiện hơn.

Huỳnh Như Thảo là tân sinh viên ngành quan hệ công chúng song lại khá rụt rè, nhút nhát. Do đó, công việc làm thêm ở một cửa hàng giày dép đã giúp ích nhiều cho cô gái quê Lâm Đồng này.

Thảo nhìn nhận: "Nhờ tiếp xúc thường xuyên với nhiều người, có cả người nước ngoài, nên tôi tiến bộ đáng kể về kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ. Đó cũng là các yếu tố gắn liền với lĩnh vực tôi theo đuổi".

Dù ham thích những trải nghiệm phong phú mà việc làm thêm mang lại nhưng Thảo luôn tự nhắc nhở bản thân phải ưu tiên việc học. Cô không gặp nhiều khó khăn khi được gia đình ủng hộ và còn nhận được nhiều chỉ dẫn từ những người đi trước.

Loại hình công việc thời vụ hay bán thời gian, không đòi hỏi cao về chuyên môn và bằng cấp, thậm chí khác hẳn con đường sự nghiệp tương lai mà tân sinh viên hướng tới…, vẫn là lựa chọn phổ biến của nhiều bạn trẻ vừa bước qua tuổi mới lớn. Những hiểu biết, kỹ năng, va chạm thực tế trong quá trình làm thêm… chính là bài học giá trị nằm ngoài giảng đường và sách vở, trở thành "vốn liếng" thiết thực trên hành trình trưởng thành của họ.

Tân sinh viên bước khỏi vùng an toàn - Ảnh 3.

Như Thảo muốn dùng sức trẻ để học và làm được thật điều có ích

Quang Anh cảm thấy hạnh phúc và biết ơn khi tìm được một chỗ làm thêm lý tưởng, được nhiều người đón nhận và hỗ trợ nhiệt tình. Sau những va vấp ban đầu, Quang Anh đã có sự tập trung tốt hơn, quan sát tinh tế và ứng xử khéo léo hơn. Trong khi đó, Quỳnh Nga và Như Thảo biết cách quản trị thời gian hiệu quả, mở rộng kết nối xã hội, cuộc sống thêm sắc màu.

Nếu có cơ hội sớm góp mặt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh với các nhà quản lý giỏi giang và đồng nghiệp tốt thì càng giúp bạn trẻ trở nên dạn dĩ, tự lập, bản lĩnh, có nhiều niềm cảm hứng sống tích cực hơn. Tuy nhiên, tân sinh viên cũng cần tỉnh táo khi lựa chọn công việc làm thêm, thận trọng trước nhiều cái bẫy "việc nhẹ lương cao". Để tránh trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo, trục lợi, các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ lưỡng về nhà tuyển dụng và có sự thỏa thuận, giao kèo, ký hợp đồng rõ ràng khi chấp nhận làm việc.

Mặt khác, tân sinh viên nên lưu ý nhiệm vụ chính của mình vẫn là học tập. Vì vậy, họ cần biết cách cân bằng giữa chuyện học hành và làm thêm; có lối sống hợp lý, giữ sức khỏe thay vì chỉ lao vào đi làm mà quên mất các mục tiêu quan trọng khác.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tan-sinh-vien-buoc-khoi-vung-an-toan-20230923200019899.htm

  • Từ khóa