Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương Kanni Wignaraja đã tham gia trồng rừng ngập mặn cùng lãnh đạo và người dân tỉnh Thanh Hóa, một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả nhất để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển.
Bà Wignaraja đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của UBND tỉnh Thanh Hóa trong công tác thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu thông qua những sáng kiến xây dựng năng lực chống chịu.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ Việt Nam, Quỹ Khí hậu xanh cùng UNDP đã phục hồi và trồng mới hơn 337 héc-ta rừng ngập mặn và xây dựng 1.403 ngôi nhà an toàn cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, và có chủ hộ là phụ nữ. Dự án với tên gọi “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” đã mang lại lợi ích cho hơn 8.000 người dân địa phương tại tỉnh Thanh Hóa.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương Kanni Wignaraja (thứ 3 dãy bên trái) buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hương Giang |
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bày tỏ cảm ơn trước sự hỗ trợ của UNDP, đặc biệt là công tác nâng cao khả năng chống chịu và cải thiện sinh kế của người dân.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa giữa UNDP và tỉnh Thanh Hóa để xây dựng nhiều ngôi nhà an toàn hơn; tái tạo rừng ngập mặn theo những cách thức gắn kết cộng đồng địa phương với sinh kế; cũng như nâng cao kiến thức địa phương trong quản lý rủi ro thiên tai.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng chia sẻ: “Rừng ngập mặn là một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả nhất. Rừng là một nguồn sinh kế bền vững, như trong việc nuôi trồng thủy sản và nuôi ong, đồng thời góp phần hấp thụ các-bon, bảo tồn đa dạng sinh học, giúp bảo vệ cuộc sống, sinh kế và cơ sở hạ tầng. Rừng tạo ra một lợi ích chung, vừa làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, vừa giúp người dân cải thiện sinh kế và thu nhập, cũng như tăng tỉ lệ che phủ rừng ở Việt Nam. Rừng ngập mặn giúp Việt Nam đạt được tham vọng về khí hậu và phát triển linh hoạt, bền vững”.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương Kanni Wignaraja (thứ 4 từ trái sang) tham gia trồng rừng ngập mặn cùng lãnh đạo và người dân tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hương Giang |
Nhằm xác định các địa điểm an toàn để xây dựng nhà an toàn chống chịu bão, lụt, dự án cũng thực hiện một loạt các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, trong đó có việc đánh giá rủi ro. Đến nay, trên 8.000 người (với hơn 50% phụ nữ tham gia) đã được hưởng lợi từ các khóa tập huấn này của tỉnh. Những khóa tập huấn này đã giúp cộng đồng đánh giá được rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời giúp xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai và lập kế hoạch giảm thiểu rủi ro cho từng địa phương cụ thể.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, bà Wignaraja nhấn mạnh: “Theo một nghiên cứu gần đây của UNDP và Bộ Xây dựng, hơn 110.000 hộ gia đình có nhu cầu xây dựng nhà an toàn tại 28 tỉnh ven biển trên cả nước, trong đó có 10.000 hộ dân thuộc tỉnh Thanh Hóa”. Hơn 2.100 trên tổng số 25.000 ngôi nhà an toàn được yêu cầu xây dựng khẩn cấp trên khắp cả nước nằm ở các hộ ven biển tại Thanh Hóa. Những ngôi nhà chống chịu bão, lụt được dự án hỗ trợ vẫn kiên cố sau khi trải qua hàng loạt trận bão, lũ cùng cơn bão cấp kỷ lục vào năm 2020. Với hiệu quả ấy, cùng những nhu cầu to lớn về nhà an toàn trước biến đổi khí hậu và thiên tai, thêm 100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt sẽ được tiếp tục xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian gia hạn dự án.
Bà Kanni Wignaraja (thứ 5 từ phải sang) tới thăm hộ dân được hỗ trợ xây nhà an toàn chống bão. Ảnh: Hương Giang |
Ngoài ra, các dự án khác được Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ cũng đang thúc đẩy sản xuất bền vững rừng tre tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc và khôi phục nghề sản xuất cánh kiến đỏ truyền thống cho người dân bản địa ở huyện Mường Lát. Những dự án này là ví dụ cho sự kết hợp giữa việc chọn giống cây có giá trị kinh tế cao với thị trường mở, sử dụng kiến thức địa phương cùng công nghệ canh tác hiện đại, tập trung vào chăn nuôi và thâm canh, với sự tham gia và ủng hộ của người dân.
Hoàng Lan/qdnd.vn