Trợ lý ảo, trợ giúp đắc lực cho ngành tòa án

Thứ 7, 27.01.2024 | 14:13:21
393 lượt xem

Với việc làm chủ các công nghệ lõi, các kỹ sư của Viettel đã phát triển thành công trợ lý ảo cho ngành tòa án. Trợ lý ảo được đánh giá hiệu quả sau quá trình sử dụng thử nghiệm tại các tòa án nhân dân, góp phần vào mục tiêu tổng thể, xuyên suốt của Chính phủ về chuyển đổi số.

Bà Lê Thị Khanh, Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ quản lý công việc.


Ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Khối nền tảng trợ lý ảo (Trung tâm Không gian mạng Viettel) giới thiệu với chúng tôi các tính năng của trợ lý ảo ngành tòa án. Theo đó, trợ lý ảo này có thể hỏi đáp, tra cứu các văn bản pháp luật, đi kèm với phần tra cứu là các chỉ dẫn áp dụng pháp luật, giúp cho người dùng áp dụng pháp luật được thống nhất và tính năng giới thiệu các tình huống pháp luật tương tự từ kho dữ liệu được lưu trữ.

Ứng dụng cũng có thể hỗ trợ quản lý công việc của thẩm phán, như hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, thậm chí chỉ dẫn chi tiết các bước, biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định về tố tụng như một sổ tay điện tử cho từng vụ án.

Công cụ này còn tự động tạo các tài liệu pháp lý mẫu như giấy triệu tập, quyết định tạm giam, tiếp nhận đơn, chuẩn bị trước, trong và sau phiên tòa... Trợ lý ảo cũng hỗ trợ hiệu quả cho thẩm phán việc mã hóa các thông tin cá nhân của những người có liên quan trong bản án để bảo vệ thông tin cá nhân trước khi công khai bản án trên cổng thông tin điện tử của ngành tòa án.

Đến nay, sản phẩm đã trải qua hơn 1 năm thử nghiệm tại các tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, với hơn 12 nghìn tài khoản sử dụng, trung bình có từ 5.000-6.000 lượt hỏi đáp, tra cứu mỗi ngày. Đây là trợ lý ảo duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn và đáng tin cậy, với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ và hơn 1 triệu bản án. Thông qua kết quả khảo sát với 1.031 lượt đánh giá, 99% số người sử dụng đánh giá cao độ hữu ích của sản phẩm, giảm 30% khối lượng công việc cho thẩm phán.

Chia sẻ về hiệu quả mang lại của trợ lý ảo, bà Lê Thị Khanh, Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai phần mềm trợ lý ảo đến tất cả tòa án trên cả nước, các thẩm phán đều được cấp tài khoản và mật khẩu sử dụng phần mềm này.

Quá trình dùng thử cho thấy, trợ lý ảo là công cụ hữu ích, nhất là cho các cán bộ trẻ mới vào nghề, hiệu quả hơn so với việc hỏi ý kiến, tham khảo từ những nguồn khác. Ngoài ra, trợ lý ảo giúp mã hóa bản án rất nhanh, chỉ mất khoảng 30-40 phút là đã có thể mã hóa và công khai 10-15 bản án, thay vì chỉ được 4-5 bản án so với làm thủ công trước đây.

Trong việc trao đổi nghiệp vụ, ứng dụng này có ý nghĩa quan trọng đối với những vụ án rất hiếm khi xảy ra, có ít tư liệu tham khảo, thẩm phán có thể đăng lên ứng dụng để tham khảo ý kiến của thẩm phán trên cả nước, từ đó hỗ trợ việc đưa ra nhận định. Tuy nhiên, theo thẩm phán Lê Thị Khanh, có lúc hệ thống đưa ra quá nhiều câu trả lời, khiến thông tin bị loãng và chưa sát, phần mềm cần được điều chỉnh để sử dụng hiệu quả hơn.

Chia sẻ lý do phát triển sản phẩm, ông Trần Mạnh Quân cho biết, khi tiếp cận ngành tòa án, thấy nhu cầu tra cứu văn bản pháp luật rất nhiều, liên tục, không chỉ văn bản hiện hành mà cả những văn bản trước đây và số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng.

Trong khi đó, công nghệ hiện nay đã tiên tiến, trí tuệ nhân tạo đã phát triển thì cần ứng dụng để khai thác, phát huy tài nguyên dữ liệu ngành tòa án, giúp thẩm phán tìm kiếm thông minh hơn, hiệu suất làm việc cao hơn. Qua quá trình sử dụng thử cho thấy, đây là một trong những điểm sáng về áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số được ghi nhận trong ngành tòa án.

Với việc làm chủ các công nghệ lõi phát triển trợ lý ảo như công nghệ nhận dạng tiếng nói Tiếng Việt độ chính xác lên tới 95%, công nghệ tổng hợp tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thời gian tới, Viettel sẽ phát triển trợ lý ảo pháp lý hỗ trợ tư pháp cho người dân trong việc đoán định các tình huống pháp lý mà người dân thường gặp phải, giúp người dân tham khảo, quyết định vấn đề pháp lý của mình.

Thí dụ, dựa vào những dữ liệu trên hệ thống trợ lý ảo, người dùng sẽ tham khảo, quyết định việc khởi kiện hay hòa giải đối với những nội dung tranh chấp cụ thể. Từ những tư vấn của trợ lý ảo sẽ giúp người dùng điều chỉnh hành vi, xác lập các quan hệ xã hội tốt hơn. Ngoài ra, Viettel sẽ phát triển trợ lý ảo cho từng ngành, nhằm thực hiện mục tiêu mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức có một trợ lý ảo riêng.

Theo các kỹ sư phát triển sản phẩm, lợi ích của phần mềm trợ lý ảo mang lại không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí, mà quan trọng hơn là các tri thức được trợ lý ảo tích lũy thông qua tương tác với các chuyên gia, người có kinh nghiệm và tri thức ấy sẽ được người trẻ tiếp cận, nâng cao trình độ, phục vụ hữu ích cho công việc của mình.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tro-ly-ao-tro-giup-dac-luc-cho-nganh-toa-an-post794058.html

  • Từ khóa