Nước rút tới đâu giúp dân khắc phục hậu quả tới đó

Thứ 4, 21.10.2020 | 09:46:55
494 lượt xem

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế trời mưa trở lại khiến nước lũ rút chậm, nhất tại các khu vực trũng nước vẫn ngập sâu. Trong những ngày này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế nỗ lực làm tốt công tác cứu trợ bà con vùng sâu vùng xa, vùng thiệt hại nặng; đồng thời tổ chức lực lượng giúp đỡ nhân dân sau bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Sáng 20-10, chúng tôi cùng đoàn công tác của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế về tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại nặng tại thị trấn Thuận An, huyện, Phú Vang. Khu vực này vẫn có nhiều nơi bị ngập sâu. Để đến được gia đình anh Đặng Văn Sinh và anh Nguyễn Đoàn, thôn Tân Cảng, thị trấn Thuận An, đoàn phải vượt qua nhiều khu vực ngập sâu, có những nơi tới gần nửa mét. Nằm bên góc cánh đồng mênh mông nước là gia đình anh Đặng Văn Sinh. Biết được đoàn đến tặng quà, hai vợ chồng luống cuống mở cửa vốn chỉ là tấm tôn cột bằng dây thép. Dáng người nhỏ thó khắc khổ lại càng đáng thương vì mấy hôm nay anh Sinh phải dầm mình trong nước, da nhăn nheo tái nhợt. Nép mình sau cánh cửa, anh Sinh cho biết: Đợt lũ này nước ngập nhà hơn 2m, đồ đạc trong nhà dù đã được kê lên trên 2 chiếc giường, nhưng bị ngập nước hư hỏng. Hai vợ chồng làm nghề sửa xe máy thu nhập rất bấp bênh, hai đứa con còn nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn”.

Nước rút tới đâu giúp dân khắc phục hậu quả tới đó
Nhiều khu vực bị ngập sâu đi lại khó khăn, các đoàn công tác Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế  đã tới tận nơi trao quà và nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân.


Trong căn nhà khoảng 40m2 được lợp bằng tôn lâu ngày đã dột nát, xung quanh cũng được che chắn tạm bợ bằng tôn, vật dụng trong nhà giá trị nhất là chiếc tủ lạnh cũ và nồi điện nấu cơm hằng ngày, nhưng cũng đã hỏng trong đợt lũ vừa qua. Anh Sinh cho biết thêm: “Hôm lũ về, may kịp đưa vợ con lên ở nhờ người quen, không thì hai đứa nhỏ không biết ra sao. Khi được hỏi về các dự kiến trong tương lai, anh Sinh cúi đầu, nói trong nước mắt: “Giờ biết làm sao được anh!”.

Theo anh Lê Văn Lài, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Cảng, địa phương còn nhiều gia đình cùng cảnh khó khăn như gia đình anh Đặng Văn Sinh. Đợt mưa lũ nay tại tổ dân phố có 169 trên 266 nhà bị ngập, trong đó có 50 nhà ngập sâu gần 2m trở lên. Mặc dù trước khi lũ về, tổ dân phố đã huy động lực lượng tại chỗ di dời toàn bộ những hộ có nguy cơ ngập sâu, trẻ em, người già và gia đình đơn thân về ở tạm, nhưng lũ lên nhanh và lớn hơn dự kiến khiến các hộ dân trên địa bàn thiệt hại nặng.

“Rất may là trong cả quá trình trước, trong và sau lũ có cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đồng hành giúp đỡ”, anh Lê Văn Lài chia sẻ.

Để giúp nhân dân đối phó với bão lũ, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát lại các kế hoạch, khoanh vùng những khu vực trọng điểm, xung yếu, ngập lũ cục bộ; triển khai công tác di dời các hộ dân ở vùng thấp trũng, lũ quét, sạt lở, xâm thực đến nơi an toàn. Trong mưa lũ đơn vị đã cắt cử hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với các lực lượng giúp nhân nhân sơ tán; bảo quản tài sản và vận chuyển đến nơi an toàn. Cụ thể, đơn vị đã giúp di dời hơn 1.000 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu ở vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn; tổ chức tốt công tác cứu trợ cho những gia đình khó khăn, trao 400 suất quà và hàng nghìn thùng mì tôm... cho các hộ khó khăn.

Nước rút tới đâu giúp dân khắc phục hậu quả tới đó
Đoàn công tác trao quà hỗ trợ cho gia đình anh Đặng Văn Sinh.


Còn tại Đồn Biên phòng Vinh Hiền, một đơn vị có nhiều thành tích trong công tác cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhân dân trong đợt mưa lũ vừa qua, Thiếu Tá Hoàng Văn Dũng, Chính  trị viên cho biết: “Để ứng phó hiệu quả với bão lũ, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền vận động và di dời hơn 900 hộ với gần 4.000 nhân khẩu đến nơi an toàn; giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, vận chuyển đồ đạc... với gần 200 ngày công. Trong cơn bão số 5, theo thông báo của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, tàu Công Thành 27 (thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ Minh Nhật Thành) chở 4.500 tấn Clinken trên hành trình từ Cảng Quảng Ninh vào thành phố Cần Thơ, nhưng khi đến vùng biển cách phía Đông bắc Mũi Chân Mây 8 hải lý, do sóng to, nước tràn vào làm chìm tàu. Sau khi nhận được thông tin Đảng ủy Đồn Biên phòng Vinh Hiền đã họp khẩn, tổ chức tìm kiếm cứu nạn thành công 11 thuyền viên trên tàu Công Thành 27 vào bờ an toàn. Với thành tích trên, đơn vị đã được UBND và BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế khen thưởng.

Để giúp dân hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai, Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế chia sẻ, trong đợt mưa lũ vừa qua BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị tuyến biển và tuyến núi giúp dân di dời các hộ dân ở những nơi nguy hiểm; trong mưa lũ tập trung lượng 24/24 giúp nhân dân ở những nơi đặc biệt nghiêm trọng. Các đơn vị đã điều động 640 cán bộ, chiến sĩ với 43 phương tiện các loại, tổ chức sơ tán, di dời được 822 hộ với 2.166 khẩu… “Sau khi nước rút, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ đồng bào khó khăn, không để đồng bào thiếu đói. BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trích quỹ đơn vị mua nhu yếu phẩm thiết yếu; tiếp nhận mì tôm do UBND tỉnh cấp để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân ở các địa bàn xung yếu ở khu vực biên giới biển... Đặc biệt chúng tôi đã triển khai kế hoạch cho các đơn vị triển khai lực lượng giúp đỡ nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả sau lũ với phương châm nước rút tới đâu giúp dân tới đó nhằm nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân”, Thượng tá Phạm Tùng Lâm nhấn mạnh.


Bài, ảnh: LÊ TẦN- TUẤN SƠN/qdnd

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nuoc-rut-toi-dau-giup-dan-khac-phuc-hau-qua-toi-do-641504

  • Từ khóa