Thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Chủ nhật, 24.01.2021 | 00:00:00
1,365 lượt xem

Cùng với việc khẩn trương chuẩn bị lực lượng cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho lực lượng tác chiến cũng được Trung ương Cục đặc biệt chú trọng.

Mạng lưới hậu cần Miền ở tuyến trước được tổ chức lại thành 5 đoàn (81, 82, 83, 84, 100), mỗi đoàn phụ trách một hướng. Ở tuyến sau, Đoàn 17 phụ trách thu mua ở Campuchia; Đoàn 50 ở phía đông và tây liên Tỉnh lộ 13 (Bình Long); Đoàn 896 ở phía bắc liên Tỉnh lộ 14 (Quảng Đức). Cấp phân khu có hậu cần phân khu, đơn vị. Mỗi đoàn hậu cần bám trụ trên từng khu vực, kết hợp chặt chẽ với các cơ sở hậu cần của phân khu, đơn vị và hậu cần nhân dân bảo đảm cho các đơn vị đứng chân và hoạt động trong khu vực đó. Ngoài ra, hậu cần Miền còn tổ chức các phân đội hậu cần cơ động (đội điều trị, đội phẫu thuật, trạm sửa chữa, các tiểu đoàn, đại đội vận tải...) sẵn sàng tăng cường cho các đoàn hậu cần khu vực để bảo đảm tác chiến thắng lợi.

Thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Quân Giải phóng miền Nam và lực lượng vũ trang địa phương Nam Bộ vận chuyển đạn phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu 

Phát huy thế trận hậu cần nhân dân, ta đã huy động nhân dân các tỉnh, thành phố trên toàn miền Nam tham gia phục vụ tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ của các lực lượng này là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm vào nội đô cất giấu trước; cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra và xây dựng "hũ gạo nuôi quân". Nhờ đó, lực lượng quần chúng kết hợp với các đơn vị vận tải đã chuyển được hàng trăm tấn hàng từ vùng Mỏ Vẹt xuống vùng tây nam Sài Gòn. Ta đã huy động hàng trăm xe bò chở hàng từ Mỏ Vẹt xuống Hóc Môn, Gò Vấp. Huyện Đức Hòa có phong trào xây dựng "hũ gạo nuôi quân". Trước Tết, mỗi gia đình để sẵn 5 lon gạo đón quân chủ lực, sau đó, cứ mỗi tuần lại quyên góp một lần (do hội phụ nữ phát động). Các huyện đều thành lập đội cung cấp chuyên lo việc huy động lương thực, thực phẩm trong nhân dân phục vụ tổng tiến công và nổi dậy. Mỗi xã có ban quân lương, đội cứu thương, tải thương. Các gia đình đều đào sẵn hầm để nuôi giấu thương binh hoặc chôn giấu vũ khí, điển hình là gia đình bà Nguyên (má Bảy) ở Trảng Bàng đã đào hầm chôn tới 45 tấn vũ khí tại một vị trí chỉ cách địch khoảng 1km.

Từ năm 1965, ta đã thành lập hai bộ phận bảo đảm hậu cần mang mật danh A-20 và A-30 (sau đó A-20 đổi tên thành J-8, A-30 đổi tên thành J-9) để thực hiện kế hoạch mang mật danh "Kế hoạch X" tích trữ vật chất, vũ khí cho lực lượng ta hoạt động ở nội đô Sài Gòn. Từ năm 1965 đến 1967, A-20 và A-30 đã xây dựng được 15 lõm chính trị với hơn 200 gia đình làm cơ sở cất giấu vũ khí và ém quân, đặt sở chỉ huy. Một khối lượng lớn vũ khí đã được vận chuyển vào nội thành trong thời gian này. Cuối năm 1967, tại Sài Gòn, lực lượng vận chuyển vũ khí được tăng cường, nhiều lõm chính trị được xây dựng thêm. Đến đầu năm 1968, trước khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, ta đã xây dựng được 19 lõm chính trị với 325 gia đình, phần lớn ở gần các mục tiêu sẽ đánh chiếm. Mỗi lõm có nhiều cơ sở để cất giấu vũ khí, ém quân. Điển hình là nhà số 7 Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3), tức tiệm phở Bình của gia đình ông Ngô Toại là nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6. Nhà số 183/4 đường Trần Quốc Toản, quận 3 (nay là đường 3/2, quận 10) của gia đình đồng chí Đỗ Văn Căn, một trong những cơ sở đầu tiên được xây dựng từ năm 1965 đến ngày giải phóng miền Nam, vẫn là cơ sở tin cậy để lực lượng cách mạng lui tới hoạt động và cất giấu vũ khí bí mật. Tại đây, ta đã tiếp nhận một khối lượng lớn vũ khí để phục vụ cho việc đánh chiếm tổng nha cảnh sát ngụy.

Cùng với việc xây dựng cơ sở để cất giấu vũ khí, ém quân, việc tổ chức vận chuyển vũ khí vào nội đô cũng được chú trọng. Ngoài việc vận chuyển bằng các phương tiện mà các bộ phận bảo đảm đã thực hiện trước đó, trước Tết, lợi dụng địch sơ hở và dựa vào nhân dân, ta tiếp tục vận chuyển vũ khí vào nội thành. Nhân dân đã áp dụng nhiều phương thức vận chuyển, bảo đảm an toàn cho cả người và vũ khí. Súng, đạn có khi được giấu trong các hòm xe, trên chất dưa hấu để che mắt địch hoặc được cất giấu trên các ghe chở cát và khi bốc cát lên bờ, vũ khí được cất giấu ngay dưới đống cát. Vào những ngày giáp Tết, người dân giả dạng đi mua sắm hàng Tết để vận chuyển vũ khí vào nội thành; nhiều chiến sĩ biệt động, cơ sở cải trang làm dân thường có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, công khai xâm nhập vào nội thành một cách an toàn... Đến cuối tháng 12-1967, mọi công tác chuẩn bị, trong đó có công tác chuẩn bị hậu cần cho các mũi, các hướng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam về cơ bản đã hoàn tất... Đúng Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã nổ ra trên khắp các đô thị miền Nam, gây cho địch rất nhiều tổn thất.

Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế chiến lược của Mỹ-ngụy, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.


VŨ HỒNG KHANH/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/the-tran-hau-can-chien-tranh-nhan-dan-trong-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-mau-than-1968-649979

  • Từ khóa