Tự chủ buồng tập lái nhiều loại máy bay

Chủ nhật, 29.08.2021 | 14:59:11
1,444 lượt xem

Những năm qua, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tích cực nghiên cứu, đầu tư chế tạo buồng tập lái máy bay nhằm từng bước tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị, khí tài trong nước, góp phần nâng cao kỹ năng, thao tác kỹ thuật cho phi công trong quá trình huấn luyện đối với các loại máy bay có trong biên chế.

Hiện nay, hầu hết các hãng hàng không trong nước cũng như trên thế giới đều tổ chức đào tạo, huấn luyện và kiểm tra định kỳ phi công thông qua các buồng tập lái, giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả huấn luyện phi công, đặc biệt là phi công sơ cấp hoặc phi công chuyển loại. Quân chủng PK-KQ đang khai thác sử dụng nhiều chủng loại buồng tập lái máy bay khác nhau. Một số buồng tập lái được nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành rất đắt và khó chủ động bảo đảm vật tư trong quá trình khai thác sử dụng.

Đại tá Phạm Thanh Giang, Viện trưởng Viện Kỹ thuật PK-KQ (Quân chủng PK-KQ) cho biết: "Những năm 90 của thế kỷ 20, Viện Kỹ thuật PK-KQ đã nghiên cứu và chế tạo thành công buồng tập lái máy bay MiG-21. Gần đây, viện tiếp tục nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nhiều kỹ thuật mô phỏng mới để chế tạo các buồng tập lái cho các loại máy bay. Đó là kỹ thuật mô phỏng cảm giác lực thông qua các giá chuyển động; kỹ thuật mô phỏng không gian bay hình cầu. Trong đó, giá chuyển động được chế tạo theo công nghệ mới kết hợp điện-khí nén với 6 bậc tự do cho phép mô phỏng tương đối chính xác cảm giác lực cho phi công khi bay huấn luyện trên buồng tập lái”.

Tự chủ buồng tập lái nhiều loại máy bay
Buồng tập lái BTĐ-Mi8 do Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. 

Trung đoàn 929 (Sư đoàn 372, Quân chủng PK-KQ) đã được trang bị buồng tập lái BTĐ-22M4. Buồng tập lái này mô phỏng được các tính năng chiến thuật, kỹ thuật: Cất-hạ cánh với hình ảnh không gian ba chiều trong thời gian thực; bay đơn, bay biên đội, cất cánh biên đội và bay theo địa hình; bay theo đồng hồ và bay theo hành trình với các thiết bị vô tuyến dẫn đường; bay có sử dụng tổ hợp ngắm bắn dẫn đường RLPK-54 và hệ thống tự động lái CAY-22M2; xử lý các tình huống bất trắc trên không. Buồng tập BTĐ-22M4 có thể huấn luyện bay cho phi công trong điều kiện khí tượng giản đơn, phức tạp và bay theo đồng hồ trong toàn bộ phạm vi tốc độ và độ cao cho phép của máy bay Su-22M4, kể cả các bài bay biên đội và ứng dụng chiến đấu. 

Buồng tập BTĐ-Mi8 đã được sử dụng tại Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372) từ tháng 10-2020. Buồng tập lái này có thể sử dụng để thực hiện các khoa mục huấn luyện cho phi công, các hệ thống mô phỏng hoạt động tốt với 35 tình huống bất trắc theo sổ tay phi công, không gian bay sử dụng bản đồ số có hình ảnh rõ nét, màn ảnh thiết kế hình bán cầu với nhiều máy chiếu độ nét cao giúp hình ảnh không gian mô phỏng sát thực tế, chỉ huy bay kiểm tra trạng thái máy bay trong toàn bộ chuyến bay. 

Đại tá Lê Kim Trọng (Phòng Thanh tra và An toàn bay, Bộ Tham mưu, Quân chủng PK-KQ) sau khi trực tiếp bay thử với buồng tập lái BTĐ-Mi8, đánh giá: "Hệ thống mô phỏng tạo cảm giác lực giúp phi công như đang sử dụng máy bay thật, khi máy bay nghiêng, ngóc, hướng trong quá trình cơ động; đồng thời cảm giác được gia tốc thẳng đứng khi thực hiện cất hạ cánh. Cảm giác chung khi bay trên buồng tập lái có thể đạt 80-85% so với bay trên máy bay thực".

Đầu tháng 3 đến giữa tháng 4-2021, Binh đoàn 18 đã phối hợp với Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ và Trung đoàn 930 sử dụng BTĐ-Mi8 để bay kiểm tra, định kỳ cho một số phi công của đơn vị, không phải gửi phi công ra nước ngoài để thực hiện các nội dung bay này như trước. Trung tá Phạm Xuân Đông, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 930 cho biết: “Buồng tập lái BTĐ-Mi8 qua khai thác sử dụng gần 200 giờ bay huấn luyện bảo đảm tính năng, tham số kỹ thuật ổn định, hoạt động tốt, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chiến thuật, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện phi công của trung đoàn”.

Theo Đại tá Phạm Thanh Giang, buồng tập lái động đáp ứng các chỉ tiêu chiến thuật, kỹ thuật đã được thử nghiệm, nghiệm thu theo quy định và đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Tới đây, Viện Kỹ thuật PK-KQ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất, chế tạo các buồng tập lái trang bị cho các đơn vị không quân, đặc biệt đối với các loại máy bay mới được trang bị.


CHÍ CÔNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tu-chu-buong-tap-lai-nhieu-loai-may-bay-669785

  • Từ khóa