Vận tải xa bờ bằng phương pháp thiên văn

Chủ nhật, 26.09.2021 | 14:58:07
393 lượt xem

Sau “sự kiện Vũng Rô” (Phú Yên) tháng 2-1965, yếu tố bí mật, bất ngờ của Đường Hồ Chí Minh trên biển không còn, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Phải ngừng ngay việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam. Cần tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này từ cơ quan cấp trên đến đơn vị cơ sở để tiếp tục làm tốt hơn”. Chấp hành chỉ thị của Tổng Tư lệnh, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp, chỉ rõ hạn chế, thiếu sót, đề ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Sau một thời gian nghiên cứu, Quân chủng Hải quân xây dựng phương án vận tải theo phương thức mới: Đi xa bờ, xác định vị trí tàu bằng thiên văn (còn gọi là đi bằng phương pháp thiên văn). Được sự chỉ đạo của trên, Đoàn 125 cải dạng 4 tàu (42, 68, 69, 100) từ dạng tàu vận tải sang dạng tàu đánh cá để phù hợp với phương thức vận tải mới. Trước quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125, tháng 9-1965, Bộ Quốc phòng chuẩn y kế hoạch tổ chức lực lượng và phương tiện vận tải đường biển theo phương thức mới.

Căn cứ vào khả năng của từng đội tàu, chỉ huy Đoàn 125 đã chọn Tàu 42 thực hiện nhiệm vụ mở tuyến vận tải đầu tiên theo phương thức mới. Sau gần 10 ngày (cải dạng thành một tàu câu cá song của một số nước Đông Nam Á), Tàu 42 chở hơn 60 tấn vũ khí, hòa vào dòng tàu buôn bán ngược xuôi ngoài Biển Đông, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch. Đêm 24-10-1965, tàu cập bến Kiến Vàng (Cà Mau), chuyển giao hàng an toàn. 

Vận tải xa bờ bằng phương pháp thiên văn
 Chuyển hàng quân sự lên tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Như vậy, sau 8 tháng tạm ngừng, con đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh trên biển đã được nối lại. Các chuyến tàu mang vũ khí, đạn dược và cả tấm lòng của hậu phương miền Bắc đã đến với tiền tuyến miền Nam. Thắng lợi của chuyến Tàu 42 khẳng định việc thực hiện vận tải theo phương thức mới là khả thi. Tuy nhiên, đây mới là thắng lợi bước đầu về việc vận tải đường biển đi bằng phương pháp thiên văn. Vì thế, Quân chủng Hải quân đã đánh giá, triển khai chuyến thứ hai để rút kinh nghiệm. Thực hiện chủ trương này, Tàu 69 nhận lệnh chở vũ khí đi bằng phương pháp thiên văn mà Tàu 42 đã mở, vào cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) cuối tháng 11-1965, bảo đảm bí mật, an toàn.

Năm 1966, hải quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn tăng cường kiểm soát trên biển. Về phía ta, sau những chuyến chi viện miền Nam cuối năm 1965 thành công, tổng số tàu vận tải tăng lên 27 chiếc, hầu hết được cải dạng thành tàu đánh cá trên biển; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được bổ sung thực hiện nhiệm vụ có trình độ và kinh nghiệm đi biển. Từ thành công của Tàu 42 và Tàu 69, Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhận định: Địch thường dùng máy bay, tàu chiến theo dõi tàu ta từ xa. Khi phát hiện, chúng bí mật bám đuổi, chờ đến lúc tàu ta chuyển hướng vào bờ chúng sẽ tập trung tàu chiến, máy bay để vây bắt hoặc tiêu diệt.

Trước việc Mỹ tăng cường ngăn chặn, kiểm soát nghiêm ngặt tàu thuyền hoạt động trên biển, Quân chủng Hải quân vẫn tìm mọi cách tổ chức lực lượng và phương tiện vận tải vũ khí, trang bị vào các chiến trường. Theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân tạm thời dừng vận tải hàng quân sự bằng đường biển vào chiến trường Nam Bộ để tập trung chi viện cho Khu 5. Năm 1967, Đoàn 125 tổ chức 5 chuyến tàu vào Khu 5, nhưng bị địch phát hiện ngăn chặn, trong đó 3 tàu phải quay trở về, còn 2 tàu khi đến gần bến bị địch bao vây, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 

Để kịp thời vận chuyển vũ khí, đạn dược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tuyệt mật, trong đó yêu cầu Bộ tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 chuẩn bị 4 tàu, xuất phát từ 4 địa điểm trong một đêm vào chiến trường Nam Bộ, Khu 5, nhưng đều bị địch ngăn chặn. Sau cuộc chiến đấu quyết liệt, chỉ có một bộ phận thoát khỏi vòng vây của địch, trở lại miền Bắc an toàn.

Trước sự ngăn chặn ngày càng gắt gao của địch, tháng 2-1968, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tạm ngừng vận chuyển trên biển, chuyển sang thực hiện vận chuyển trên các tuyến đường bộ; đồng thời tổ chức nghiên cứu phương thức vận chuyển mới để khi có điều kiện thuận lợi tiếp tục chi viện chiến trường miền Nam.

Như vậy, giai đoạn 1965-1968, Quân chủng Hải quân đã thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường theo phương thức vận chuyển mới với 7 chuyến tàu tới đích an toàn, chuyển được hơn 400 tấn hàng quân sự cho các chiến trường. Đây là thành công lớn của Hải quân nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng và sử dụng phương tiện ở tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


DƯƠNG ĐÌNH LẬP/qndn.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/van-tai-xa-bo-bang-phuong-phap-thien-van-672321

  • Từ khóa