Chuyện của những “bác sĩ tên lửa”

Thứ 7, 15.07.2023 | 08:18:30
765 lượt xem

“Những người làm kỹ thuật phải thực sự tâm huyết với nghề, coi quả đạn tên lửa như đứa con của mình để chăm sóc, bảo vệ”, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 155, Trung đoàn 250, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) nói với chúng tôi khi vừa ngừng tay sau khi tập trung sửa chữa.

Đầu giờ sáng, bên trong nhà xưởng có diện tích bằng một sân bóng đá, nơi sửa chữa đạn tên lửa, không khí đặc quánh mùi bụi kim loại và dầu mỡ cơ khí. Đội ngũ kỹ thuật viên và các thợ máy làm việc không ngơi tay với quả đạn tên lửa gặp trục trặc kỹ thuật. “Mỗi khi thấy một vết lõm nhỏ trên bề mặt tên lửa hay các cánh lái bị móp méo, không chấp hành tín hiệu từ đài điều khiển thôi cũng đã gợi lên một điều gì đó không ổn... Thậm chí, phải tháo rời các bộ phận, tách biệt từng linh kiện mới có thể tìm ra những lỗi nhỏ nhưng dễ gây ra hậu quả lớn”, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng nói.

Trong điều kiện huấn luyện hay thực chiến, việc bảo đảm cho những quả đạn tên lửa có hệ số kỹ thuật cao là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Dù được chăm sóc, bảo vệ rất tốt nhưng qua thời gian và do tác động của nhiều yếu tố, đạn tên lửa vẫn có thể phát sinh hỏng hóc. Do đó, nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng đạn tên lửa như anh Hùng và các đồng đội đang thực hiện được ví như nhiệm vụ của những bác sĩ, phải túc trực thường xuyên để thực hiện sứ mệnh cứu chữa quả đạn kịp thời.

  Thợ kỹ thuật của Tiểu đoàn 155, Trung đoàn 250, Sư đoàn 361 “bắt bệnh” cho tên lửa.
 

Thợ kỹ thuật của Tiểu đoàn 155, Trung đoàn 250, Sư đoàn 361 “bắt bệnh” cho tên lửa.

“Tôi đã làm công việc này được hơn 3 năm. Có những ban bệnh liên quan đến khối điều khiển và quan sát vô tuyến hay những ban bệnh khó khác, để tìm ra bệnh và tổ chức khắc phục sẽ mất nhiều thời gian, có khi cả một ngày, thậm chí 2-3 ngày. Tất cả các loại bệnh, từ nhẹ đến nặng đều để lại kinh nghiệm hết sức quý báu, giúp chúng tôi áp dụng hiệu quả trong những lần sửa chữa tiếp theo”, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Công việc của các anh gắn với quá trình sửa chữa nên hằng ngày chỉ quanh quẩn bên quả tên lửa, vì vậy không tránh khỏi có lúc mệt mỏi. Nhưng Hùng và đồng đội luôn nêu cao quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Khả năng, hiệu suất chiến đấu và sự an toàn của vũ khí, trang bị cũng như niềm tin của đồng đội dành cho những người lính kỹ thuật là động lực rất lớn để chúng tôi giữ vững tình yêu với những quả tên lửa”, Thượng úy Hùng chia sẻ thêm.

Những người thầm lặng trong căn phòng sửa chữa tên lửa hay “bác sĩ tên lửa”, dẫu cách gọi có khác nhau, song sứ mệnh của họ không thay đổi, đó là bảo đảm đạn tên lửa luôn ở tình trạng tốt nhất, để các đơn vị hỏa lực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc. Những quả tên lửa có “sức khỏe” tốt nhất sẽ phát huy hiệu quả sức mạnh, tiêu diệt các loại mục tiêu, kể cả mục tiêu trong môi trường nhiễu phức tạp hay các mục tiêu kích thước nhỏ, bay thấp như tên lửa hành trình. Mỗi quả tên lửa được sửa chữa đều giúp Hùng và đồng đội cải thiện kỹ năng, nâng cao kiến thức, đồng thời tích lũy những bài học kinh nghiệm, tìm ra "bí quyết" trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Vì thế, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, họ phải theo sát các xu hướng và phát triển thêm kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công nghệ, an ninh; áp dụng những phương pháp mới nhất trong chăm sóc và bảo dưỡng tên lửa.

Theo Thiếu tá Phan Văn Linh, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 155, công việc này rất thầm lặng. “Các anh không đơn thuần là những công nhân sửa chữa mà còn gánh trọng trách bảo đảm kỹ thuật để đơn vị luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ, chỉ những quả tên lửa mới hiểu rõ hơn công việc của các anh. Cả lúc làm việc cũng như lúc ăn, lúc ngủ... các anh luôn thường trực trạng thái sẵn sàng bắt bệnh để kịp thời khắc phục, sửa chữa", anh Linh chia sẻ.


Tuấn Minh/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuyen-cua-nhung-bac-si-ten-lua-734393

  • Từ khóa