Làm chủ công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm quốc phòng

Chủ nhật, 12.11.2023 | 09:23:50
487 lượt xem

Những năm qua, Nhà máy Z129 được đầu tư xây dựng nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật; tiếp nhận dây chuyền mới, đồng bộ, hiện đại của đối tác nước ngoài, đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, lắp ráp, kiểm tra ngòi đạn. Tại các phân xưởng của Nhà máy, hầu hết dây chuyền sản xuất đều được trang bị công nghệ theo hướng cơ khí hóa, tự động hóa, tăng độ chính xác, từng bước hạn chế lao động thủ công, giảm sự tiếp xúc của người lao động với các yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Được đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền, thiết bị mới, hiện đại như hiện nay là cơ sở để Nhà máy Z129 nâng cao chất lượng sản xuất các sản phẩm quốc phòng, góp phần thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26-1-2022, của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo". Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy hiệu quả dây chuyền, thiết bị mới, hiện đại được đầu tư phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế là bài toán đặt ra đối với Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z129.

Để giải quyết vấn đề này, Nhà máy tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên đủ khả năng làm chủ các loại dây chuyền, máy móc hiện đại. Đặc biệt, Nhà máy coi trọng phương pháp tự đào tạo kết hợp cầm tay chỉ việc, giúp người thợ định hình tư duy cần học cái gì và học như thế nào để nắm vững quy trình sản xuất. Hiện nay, Nhà máy có hàng chục đồng chí được tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ về chế tạo ống phóng tên lửa, ngòi đạn tại nước bạn; hơn 50 đồng chí được bồi dưỡng về công nghệ lắp ráp ống phóng tên lửa. Đây là nguồn nhân lực quan trọng bảo đảm thực hiện dự án và làm chủ công nghệ sản xuất mới của Nhà máy.

Làm chủ công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm quốc phòng

Công nhân Nhà máy Z129 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) vận hành dây chuyền sản xuất ngòi đạn hiện đại. Ảnh: SƠN BÌNH

Trước thực tế nhân lực thực hiện dự án đều làm việc kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, vì vậy cùng với tăng cường cán bộ, Nhà máy chú trọng tuyển chọn nhân sự, có nhiều chính sách ưu tiên để thu hút, bố trí cán bộ có trình độ cao, đã qua đào tạo cơ bản. Ngoài việc tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành, Nhà máy mời chuyên gia từ các nhà trường, viện nghiên cứu kết hợp với đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao để tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên về các công nghệ mới, như chế tạo ngòi đạn; lập trình đối với máy công nghệ; kiểm tra chất lượng sản phẩm...

Cùng với phát huy nguồn nhân lực, Nhà máy đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ để phát huy hiệu quả dây chuyền, thiết bị mới, hiện đại. Từ năm 2019 đến nay, Nhà máy đã chủ trì và phối hợp thực hiện 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ, trong đó có 4 đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước; 27 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng; 19 đề tài cấp Tổng cục và nhiều đề tài cấp cơ sở. Số lượng, chất lượng các đề tài, nhiệm vụ ngày càng tăng, với nhiều đề tài, nhiệm vụ có yêu cầu kỹ thuật cao, tính chất phức tạp, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách đặt ra đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật; có ý nghĩa to lớn trong công tác bảo đảm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và nâng cao sức mạnh chiến đấu cho các đơn vị. Ngoài ra, chỉ tính trong 3 năm qua, Nhà máy đã có 274 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận, làm lợi hơn 4,5 tỷ đồng.

Bên cạnh các giải pháp trên, Nhà máy chú trọng nâng cao năng lực quản lý sản xuất và quản trị doanh nghiệp, trong đó chú trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất sát với thực tế nhân lực, thiết bị của từng phân xưởng, xí nghiệp; tăng cường áp dụng tiêu chuẩn ISO, Kaizen, 5S; tái bố trí mặt bằng công nghệ, dồn dịch, sắp xếp lại máy móc thiết bị; chủ động bảo đảm các yếu tố phục vụ, linh hoạt trong điều hành, tổ chức sản xuất; khai thác triệt để thiết bị mới của dự án. Nhà máy xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với thế mạnh, nguồn lực hiện có; bổ sung chức năng, chức trách, nhiệm vụ của các bộ phận, cán bộ, người lao động; cơ cấu lại biên chế, tổ chức nhân lực; tinh gọn bộ máy quản lý; giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ; hoàn thiện mô hình tổ chức, quản trị gọn, nhẹ, bảo đảm tính năng động và cạnh tranh cao.

Thời gian tới, Nhà máy tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình cơ khí hóa, tự động hóa, đổi mới công nghệ; thực hiện phương châm “đi trước đón đầu”, chủ động tổ chức khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ ở nước ngoài và mời chuyên gia nước ngoài về đơn vị chuyển giao công nghệ mới. Thường xuyên phối hợp với Viện Công nghệ, Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) tổ chức các cuộc hội thảo khoa học đánh giá phương án, lựa chọn giải pháp để đầu tư, phát triển công nghệ theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao tiềm lực công nghệ. Tập trung nghiên cứu phương án ứng dụng các công nghệ đã được chuyển giao để xây dựng và hoàn thiện tiềm lực nghiên cứu khoa học-công nghệ, bảo đảm chế tạo được các loại ngòi đạn hiện đại, tiên tiến trong tương lai, các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản...

Với những giải pháp đồng bộ trong phát huy dây chuyền, thiết bị mới, hiện đại, hiện nay, Nhà máy Z129 đã có năng lực công nghệ sản xuất và sửa chữa hơn 70 loại ngòi đạn các loại; giai đoạn 2019-2023, Nhà máy được giao nhiệm vụ từ các nguồn ngân sách với 19 chủng loại và gần 7 triệu sản phẩm các loại. Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh tế, phát huy thế mạnh, năng lực, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cơ khí chính xác, thiết bị điện chiếu sáng, đồ điện dân dụng, sản phẩm từ gỗ, nhựa. Ngoài ra, Nhà máy còn hợp tác, sản xuất cung cấp các sản phẩm công cụ hỗ trợ cho các đơn vị của Bộ Công an, Binh chủng Hóa học, Binh chủng Công binh...

Đây là bước tạo đà quan trọng để những người lính thợ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm xây dựng Nhà máy ngày càng phát triển, tạo dựng được thương hiệu, uy tín với đối tác trong nước và quốc tế.

Đại tá LÊ VĂN MINH (Giám đốc Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lam-chu-cong-nghe-moi-trong-san-xuat-san-pham-quoc-phong-751042

  • Từ khóa