Duy trì sinh hoạt văn nghệ lành mạnh cho quân nhân

Chủ nhật, 07.01.2024 | 14:36:13
610 lượt xem

Lần đầu tiên 5 vũ điệu: “Vũ điệu niềm tin”, “Vũ điệu quân dân”, “Vũ điệu hành quân”, “Vũ điệu lính trẻ”, “Vũ điệu hòa bình” được phổ biến luyện tập trong các đơn vị cơ sở của toàn quân. Các vũ điệu là kết tinh vẻ đẹp của những hoạt động múa hát tập thể trong Quân đội và phù hợp với hơi thở cuộc sống hôm nay. Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất trong sinh hoạt múa hát tập thể của bộ đội, tiếp tục phát huy giá trị đặc trưng văn hóa quân sự, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND)

5 vũ điệu thể hiện nét đẹp văn hóa bộ đội

Trong Quân đội, hoạt động múa hát tập thể là một loại hình sinh hoạt được tổ chức đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của bộ đội. Trước đây, các đơn vị đã triển khai tập luyện các điệu múa quy định, các vũ điệu quốc tế. Qua thực tiễn sinh hoạt, nhu cầu, thị hiếu về múa hát tập thể và thưởng thức nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ có những bước phát triển mới. Nhiều cơ quan, đơn vị đã sáng tạo trong tổ chức thực hiện, thu hút sự hưởng ứng đông đảo của quân nhân, nhất là chiến sĩ trẻ. Nhằm phát huy hoạt động múa hát tập thể, ứng dụng trong toàn quân, tạo nên sự thống nhất về nét đẹp quân nhân, góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ, thưởng thức nghệ thuật, thủ trưởng TCCT đã chỉ đạo nghiên cứu, sáng tác các vũ điệu mới. Tìm hiểu thực tế nhu cầu của bộ đội, các giảng viên, nghệ sĩ trong Quân đội đã sáng tác 5 vũ điệu mới để triển khai ứng dụng trong sinh hoạt tập thể ở đơn vị.

Các học viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội biểu diễn trong chương trình khai mạc hướng dẫn các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể cho bộ đội. 

Tham gia sáng tác và tổ chức luyện tập các vũ điệu mới, Đại tá Nguyễn Thị Hiền Trang, Phó chủ nhiệm khoa Múa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết: “Việc sáng tác những vũ điệu mới cần đáp ứng nhiều mục đích, phù hợp với các đối tượng có lứa tuổi, nhu cầu khác nhau. Do vậy, tổ sáng tác phải nghiên cứu yêu cầu, đối tượng, lựa chọn động tác phù hợp. Qua nhiều lần đóng góp chỉnh sửa và được thủ trưởng TCCT thông qua hai lần, các vũ điệu được hình thành và triển khai luyện tập”.

5 vũ điệu với những chủ đề khác nhau mang nét đặc trưng riêng để ứng dụng trong sinh hoạt múa hát tập thể, giao lưu trong và ngoài Quân đội. “Vũ điệu niềm tin” với động tác mạnh mẽ, thể hiện niềm tin, ý chí và thống nhất, phù hợp với các sinh hoạt tập thể như ra quân huấn luyện, đồng diễn trong ngày truyền thống và các hoạt động chính trị khác. “Vũ điệu quân dân” được sáng tác trên chất liệu của xòe Thái, nhịp xoang của đồng bào Tây Nguyên và múa gáo dừa của đồng bào Khmer. Vũ điệu này thể hiện sự kết đoàn của các dân tộc, đoàn kết quân dân, có tính kết nối cao, phù hợp với các hoạt động giao lưu, lửa trại. “Vũ điệu hành quân” có động tác trẻ trung, mạnh mẽ, phù hợp với sinh hoạt tập thể của bộ đội và các hoạt động giao lưu kết nghĩa. “Vũ điệu lính trẻ” được dàn dựng với những động tác sôi động của thanh niên Quân đội. “Vũ điệu hòa bình” ứng dụng trong phần kết thúc các buổi sinh hoạt tập thể, sự kiện chính trị... Mỗi vũ điệu có những động tác chính bám theo chủ đề được xác định. Trong quá trình sử dụng, bộ đội vận dụng linh hoạt để phù hợp với tính chất hoạt động.

Lan tỏa các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể

 Để kịp thời phổ biến các vũ điệu tới bộ đội, tạo sức lan tỏa, sự phong phú trong hoạt động văn hóa-văn nghệ, TCCT tổ chức chương trình hướng dẫn các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể cho các đồng chí là hạt nhân văn hóa-văn nghệ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Chương trình chia thành 25 nhóm, mỗi nhóm có một giảng viên hướng dẫn động tác và tổ chức thục luyện, đánh giá kết quả. Trong suốt chương trình hướng dẫn, trên sân vận động, nhà thi đấu của Trường Sĩ quan Chính trị luôn rộn vang tiếng nhạc và những vũ điệu của học viên. Kết thúc chương trình, gần 400 học viên đã nắm vững động tác, báo cáo kết quả với ban tổ chức. Đại tá Đặng Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng Văn hóa-văn nghệ (Cục Tuyên huấn, TCCT) cho biết: “Đây là lần đầu tiên chương trình hướng dẫn các vũ điệu với quy mô toàn quân được tổ chức đáp ứng tính chính quy, thống nhất cao từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện, giúp lan tỏa các vũ điệu tới cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở”.

Ngay sau khi kết thúc chương trình hướng dẫn toàn quân, Cục Chính trị Binh chủng Pháo binh đã tổ chức chương trình tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên huấn trong Binh chủng. Cán bộ tập huấn được hướng dẫn chi tiết sau đó tổ chức hội thao đánh giá kết quả cụ thể. Thượng tá Hoàng Thanh Hương, giảng viên Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Sĩ quan Pháo binh, cho hay: “Mỗi vũ điệu có những động tác cơ bản đặc trưng và dễ thực hiện. Âm nhạc sôi động có tính cổ vũ tập thể mạnh mẽ. Chính vì vậy, bộ đội tiếp thu nhanh, sôi nổi luyện tập vũ điệu mới làm cơ sở phổ biến tập luyện tại các cơ quan, nhà trường, đơn vị trong toàn Binh chủng”.

Phấn khởi, hào hứng là cảm nhận chung của các nữ quân nhân Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4, Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam khi tham gia trình diễn “Vũ điệu niềm tin” trên sân khấu. Ngay sau khi phát sóng trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, đơn vị đã quan tâm tổ chức cho bộ đội theo dõi. Dựa trên giáo án điện tử, bộ đội được luyện tập các vũ điệu. Thiếu tá Đỗ Thị Tuyết, nhân viên Ban Chính trị, Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4, cho biết: “Tuy lần đầu tập nội dung mới gặp khó khăn nhưng tranh thủ giờ thể thao và buổi tối, đơn vị tổ chức tập luyện các vũ điệu. Hoạt động này thu hút sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, tạo nên phong trào luyện tập vũ điệu vui nhộn trong giờ nghỉ, ngày nghỉ”.

Hoạt động luyện tập các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể cho bộ đội đang diễn ra sôi nổi tại các đơn vị trong toàn quân, nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bộ đội. Với việc tổ chức thống nhất, các vũ điệu sẽ là “món ăn” tinh thần hấp dẫn, tạo sự gắn kết đồng đội, tình quân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/duy-tri-sinh-hoat-van-nghe-lanh-manh-cho-quan-nhan-759403

  • Từ khóa