Số hóa để tiến thẳng lên hiện đại

Thứ 7, 30.03.2024 | 09:01:22
345 lượt xem

Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS) nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng hiệu suất lao động.

Việc ứng dụng CĐS không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn mà còn là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng ngành cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ đầu năm 2022, Ban Cơ yếu Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về cải cách hành chính (CCHC) và CĐS giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ xác định cụ thể lộ trình, định hướng rõ về công tác CĐS và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Đơn vị thành lập Ban chỉ đạo CCHC và CĐS, hằng năm xây dựng kế hoạch CĐS với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào hai nội dung lớn là: CĐS trong công tác quản lý, điều hành, chỉ huy và thông minh hóa sản phẩm mật mã.

Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các thành viên Ban chỉ đạo CCHC và CĐS thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thuộc quyền triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ CĐS được giao theo kế hoạch năm; chỉ đạo xây dựng quy trình phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị phục vụ CĐS. Tập trung nâng cao nhận thức về vai trò của CĐS cho cán bộ, nhân viên; tổ chức hội nghị tuyên truyền về CĐS cho đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng ý thức, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ CĐS.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công nghệ thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ.  

Thời gian qua, công tác CĐS của Ban Cơ yếu Chính phủ tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng, xây dựng cơ sở dữ liệu số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ số dùng chung; phát triển, thông minh hóa sản phẩm mật mã... Cùng với đó, chú trọng công tác giám sát an toàn thông tin và công tác tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, bảo vệ an toàn cho các hệ thống thông tin kết hợp với đánh giá an toàn, an ninh cho các hệ thống và phần mềm.

Ban đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều cuộc tấn công vào hệ thống; tham mưu, đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật cho thiết bị di động và máy tính làm việc từ xa; tổ chức khóa học về xây dựng chiến lược và thực hiện CĐS cho cán bộ tham mưu của các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ. Đặc biệt, Ban đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ CĐS của cơ quan, đơn vị; xác định các mục tiêu và trọng tâm thực hiện cụ thể.

Công tác CĐS ở Ban Cơ yếu Chính phủ bước đầu đã thu được những kết quả tích cực, kịp thời đưa hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc mới vào hoạt động, 100% văn bản (không mật) được ký số và gửi nhận qua mạng điều hành tác nghiệp; ra mắt website CĐS; từng bước đưa một số quy trình lên môi trường số... 

Theo Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ: Việc áp dụng công nghệ số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc mà còn tăng cường sự minh bạch, hiệu suất lao động, trên cơ sở đó cung cấp được những sản phẩm và dịch vụ hoàn thiện hơn, tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Vì thế, để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, Ban Cơ yếu Chính phủ đã nghiên cứu sâu sắc, đưa ra chiến lược và định hướng đúng đắn; kịp thời ứng dụng CĐS, góp phần xây dựng ngành cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/so-hoa-de-tien-thang-len-hien-dai-770587

  • Từ khóa