Phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng du lịch

Thứ 5, 30.06.2022 | 15:24:27
346 lượt xem

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đình Lập đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế – xã hội.



Đoàn khảo sát của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nghe giới thiệu và trải nghiệm các sản phẩm chè tại Công ty Cổ phần Chè Thái Bình, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập

Điểm đến nhiều hứa hẹn

Đình Lập là huyện miền núi biên giới, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm như: đường tuần tra biên giới dài hơn 34 km; “Thiên đường cỏ lau”; Cột mốc 1297; hồ Khuổi In; hồ Pắc Làng với bên hồ là vườn vải, rừng thông; thị trấn Nông trường Thái Bình với vùng chè nguyên liệu rộng hơn 600 ha…

Khi đến với Đình Lập, du khách có thể lựa chọn ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của núi rừng hoặc khung cảnh mờ ảo và không khí se lạnh trong những ngày sương mù trên tuyến đường tuần tra biên giới của huyện và tiếp nối từ đây, du khách có thể tiếp tục hành trình đến tỉnh Quảng Ninh để tham quan các điểm du lịch nổi tiếng. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản miền núi riêng biệt theo mùa trong năm như: măng mai, cua lông, lợn rừng… nhâm nhi những tách trà Ô Long, Bát Tiên, Ngọc Thúy thơm ngon được trồng ngay tại vùng chè thị trấn Nông Trường Thái Bình.

Với những tiềm năng đó, những năm gần đây, Đình Lập thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Chị Hoàng Thị Thường, khách du lịch đến từ tỉnh Cao Bằng cho biết: Nhà tôi chỉ cách Lạng Sơn hơn 100 km nên tôi thường đưa gia đình đến Lạng Sơn thăm bạn bè và khám phá các điểm du lịch. Theo tuyến đường thì tôi thường đến Đền Kỳ Cùng, Khu du lịch Mẫu Sơn, Cột mốc 1297, Hồ Pắc Làng, vào mùa hè thì có thể đi thêm 120 km đến Hạ Long tắm biển. Đây là một hành trình hấp dẫn, tôi mong muốn Lạng Sơn sẽ phát triển hơn nữa, nhất là các điểm du lịch trên địa bàn huyện Đình Lập.

Cùng với chị Thường thì ngày càng có nhiều du khách đến với Đình Lập tham quan, trải nghiệm. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện Đình Lập, trong 5 năm gần đây, lượng khách du lịch đến với huyện ngày càng tăng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3.500 lượt khách, tăng 1.500 lượt so với cùng kỳ năm 2021. Những con số này đã bước đầu khẳng định sự hấp dẫn của du lịch ở Đình Lập.


Du khách chụp ảnh trải nghiệm tại khu vực đồi chè thuộc thị trấn Nông Trường Thái Bình, huyện Đình Lập

Đồng bộ giải pháp phát triển du lịch

Nhận rõ tiềm năng phát triển du lịch, thời gian gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Đình Lập đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, từng bước xác định phương hướng phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn. Bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng Phòng VHTT huyện cho biết: Hằng năm, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng, triển khai các đề án quan trọng trong việc khai thác những tiềm năng phát triển du lịch, kế hoạch xúc tiến du lịch. Trong đó, xác định rõ các biện pháp để khai thác, phát triển du lịch như: phối hợp khảo sát, phát triển thị trường; đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch; tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh…

“Trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa trở lại (sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19), việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu của khách được xem là “chìa khóa”, giúp du lịch từng bước vượt qua khó khăn để nhanh chóng phục hồi, phát triển. Sau nhiều lần tham quan các điểm giàu tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh, tôi rất ấn tượng với cảnh quan của huyện Đình Lập. Cụ thể, cảnh quan trên địa bàn huyện có thuận lợi là vẫn còn nhiều nét hoang sơ, chưa bị tác động bởi cách làm du lịch theo lối tự phát, nên việc đầu tư ngay từ đầu một cách quy củ, bài bản để thu hút du khách, xây dựng các sản phẩm du lịch mới là rất dễ thực hiện. Đặc biệt, qua khảo sát, tôi thấy sản phẩm du lịch của huyện không nên phát triển theo lối mòn như làm du lịch cộng đồng, homestay mà nên phát triển theo hướng trải nghiệm sinh thái, xây dựng các Bugalow (các ngôi nhà gỗ nhỏ) thân thiện với môi trường kết hợp với các dịch vụ trải nghiệm đi thuyền, ngắm cảnh, cắm trại tại các vùng hồ nước đẹp, xây dựng sân golf… Từ đó, tạo nên một sản phẩm độc đáo, khác biệt, làm phong phú hơn cho các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh”.

Ông Ngô Mạnh Tùng,

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám Đốc Chi nhánh Lữ hành Quốc tế Kim Sơn

UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan (đồi chè); du lịch biên giới, du lịch cộng đồng… Các cấp, ngành trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện tốt các giải pháp như: chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để hoàn thiện chủ trương đối với các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025 tại 2 thị trấn trên địa bàn huyện là khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Khuổi In và hồ Pắc Làng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển du lịch, khôi phục các di tích lịch sử, cách mạng, di tích văn hóa như: khôi phục Đình Háng Slấp (thị trấn Đình Lập), khánh thành di tích đèo Khau Háy (xã Kiên Mộc)….

Cùng với đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như: gắn pano, áp phích tuyên truyền; tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm tại các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, Phòng VHTT huyện đã tham gia trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Chè Bát Tiên, chè Ô Long, ba kích, vịt cổ xanh, bún ngô, mật ong rừng… tại các sự kiện văn hóa do UBND tỉnh tổ chức. Các gian hàng của huyện đã thu hút đông đảo đại biểu và khách tham quan, thưởng thức một số đặc sản như: uống trà, hoa quả…

Mặt khác, ngành chức năng tiếp tục hoàn thành hồ sơ cấp huyện, trình tỉnh xem xét quyết định, đánh giá các sản phẩm OCOP năm 2021, đến nay toàn huyện có 4 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: bún ngô, vịt cổ xanh, măng tây, gà (tăng 2 sản phẩm so với năm 2020). Qua đó, làm phong phú thêm cho ẩm thực, sản phẩm du lịch Xứ Lạng.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã khuyến khích đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, điểm du lịch… Đến nay, toàn huyện có 5 cơ sở lưu trú có đủ điều kiện kinh doanh hoạt động (tăng 2 cơ sở so với năm 2020).

Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức 2 chuyến khảo sát phát triển tour, tuyến du lịch trên địa bàn. Ngoài các chuyên gia về du lịch, đoàn khảo sát còn có đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Ông Nghiêm Khắc Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vạn Tuế (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Tôi nhận thấy Đình Lập được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp và vị trí địa lý thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, huyện còn thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, các dịch vụ nghỉ dưỡng, dừng nghỉ… Nếu có cơ chế thu hút thì các doanh nghiệp như chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư và tin chắc rằng Đình Lập sẽ trở thành những điểm đến lý tưởng của các tour tuyến du lịch.

 Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, tin tưởng rằng tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Đình Lập sẽ từng bước được khai thác, đầu tư, phát triển bền vững, góp phần cùng toàn tỉnh phát triển “ngành công nghiệp không khói” có giá trị kinh tế cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

“Đình lập có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, song thời gian qua, việc phát huy các tiềm năng này còn nhiều hạn chế. Nhằm hỗ trợ huyện trong việc đánh thức tiềm năng và giúp cho Đình Lập thực hiện tốt công tác định hướng, phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, từ năm 2021 đến nay, Sở VHTT&DL đã phối hợp với UBND huyện tổ chức một số đoàn khảo sát du lịch ở huyện với sự tham gia của các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, đồng thời tham khảo ý kiến các đơn vị doanh nghiệp để phát triển mô hình tham quan đồi chè và trải nghiệm quy trình trồng chè, hái chè, sao chè… Mô hình này nên được đưa vào khai thác tạo thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp hấp dẫn, tận dụng được tài nguyên và thế mạnh của huyện. Qua đó, tạo sinh kế cho người dân, góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện trên các phương tiện truyền thông, xây dựng, đăng tải video clip trên các website, fanpage du lịch Lạng Sơn, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá tiềm năng các điểm du lịch và kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư, khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch mới”.

Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch


NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI/baolangson.vn

https://baolangson.vn/du-lich/510012-phat-huy-noi-luc-khoi-day-tiem-nang-du-lich.html

  • Từ khóa