Đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Thứ 5, 15.09.2022 | 14:43:14
715 lượt xem

Những năm qua, ngành du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có bước phát triển nhanh, hiệu quả, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của vùng, cải thiện thu nhập của người dân. Tuy nhiên, kết quả đạt được của ngành du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Tiềm năng chưa được phát huy

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Với chiều dài hơn 600km đường bờ biển, sở hữu nhiều bãi biển đẹp, như: Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng); Cửa Đại, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi); Quy Nhơn (Bình Định)...; cùng 3 di sản văn hóa thế giới (quần thể di tích cố đô Huế; khu phố cổ Hội An; khu di tích, đền tháp Mỹ Sơn), vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tiềm năng lớn, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Trao đổi với phóng viên, TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho biết: “Các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tiềm năng về du lịch rất lớn, song mức độ khai thác tiềm năng du lịch còn thấp. Hiện nay, liên kết phát triển du lịch nội vùng mới chủ yếu gắn với vùng lõi di sản văn hóa tại các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Các liên kết phát triển du lịch giữa vùng lõi các di sản văn hóa với Quảng Ngãi, Bình Định còn hạn chế”.

Đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Thời gian qua, hoạt động du lịch của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn thiếu tính liên kết về không gian lãnh thổ cũng như sản phẩm, chương trình, thương hiệu du lịch. Hoạt động liên kết mới chỉ dừng lại ở các cuộc hội thảo, các cuộc gặp, cam kết của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ngành. Điều này dẫn đến sản phẩm du lịch có sự trùng lặp giữa các địa phương. Trong khu vực có nhiều sân bay như: Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định)... nhưng các sân bay đều nhỏ cả về khả năng và không gian đón tiếp, chủ yếu đón tiếp những chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế chủ yếu đến từ các nước trong khu vực. Tuy các tỉnh, thành phố đều có cảng biển nhưng chỉ một số có quy mô khá lớn như: Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Quy Nhơn (Bình Định)... Cảng biển chuyên dùng cho du lịch không có mà chỉ là các cảng tổng hợp, có khả năng tiếp nhận tàu du lịch nhưng rất hạn chế, chủ yếu là các tàu nhỏ. Do vậy đã làm giảm tính hấp dẫn, chưa an toàn cho du khách.

Trong khu vực có rất nhiều khu nghỉ dưỡng biển, đảo được quảng bá là đẳng cấp quốc tế nhưng phần lớn ở quy mô nhỏ, thiếu cơ sở vật chất, dịch vụ để có thể đăng cai tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo có tính chất quốc tế, toàn cầu. Tỉnh nào cũng có du lịch biển nhưng lại rất giống nhau về sản phẩm (tắm biển, nghỉ dưỡng...), thiếu các hoạt động giải trí biển có chất lượng quốc tế như: Du thuyền, đua thuyền buồm, dù lượn, trải nghiệm văn hóa biển...

Tăng cường liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch

Vấn đề liên kết trong phát triển du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vừa phản ánh nhu cầu nội tại của các địa phương trong vùng, đồng thời tận dụng những lợi thế riêng có để tạo ra nguồn lực và động lực cho sự phát triển. Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho rằng: "Lãnh đạo chính quyền các địa phương, ngành du lịch, giao thông vận tải cần tăng cường hợp tác trong hoàn thiện quy hoạch, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, những dự án liên vùng; khai thác có hiệu quả các sân bay. Tập trung đầu tư các cảng biển chuyên dùng du lịch hoặc cảng biển quốc tế quy mô lớn có cầu cảng chuyên dùng cho du lịch như: Đà Nẵng, Quy Nhơn thành cảng quốc tế làm cầu nối chính bằng đường biển cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ra với đường biển quốc tế, kết nối với con đường di sản Đông Dương, làm cửa ngõ ra biển cho Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan...

Trong phát triển các sản phẩm biển, đảo, các địa phương cần liên kết định hình cơ cấu sản phẩm du lịch biển, đảo dựa theo chính lợi thế của mỗi tỉnh để hạn chế sự trùng lặp, na ná giống nhau, dẫn đến sự nhàm chán khi khách bắt gặp các sản phẩm giống nhau ở các tỉnh. Định hướng xây dựng Huế là trung tâm du lịch di sản, trung tâm y tế chất lượng cao với loại hình du lịch chữa bệnh cao cấp; Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch mua sắm, hội nghị, hội thảo gắn với nghỉ dưỡng biển; Hội An là trung tâm du lịch di sản-cộng đồng-sinh thái-biển, đảo; Lý Sơn thành trung tâm du lịch sinh thái-cộng đồng-biển đảo; Bình Định là trung tâm du lịch gắn với giao lưu nghiên cứu khoa học và biển, đảo quốc tế. Để thu hút khách đến và lưu trú dài ngày, ngoài chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, cần tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, văn hóa cộng đồng với hình thức trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc, tăng cường sản phẩm du lịch văn hóa có tính nghiên cứu-trải nghiệm-nhận thức cao để thu hút khách từ các đô thị, các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á...

Theo TS Trịnh Thị Thu, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, then chốt này, các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết nhau cùng phát triển sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch... đạt chất lượng, theo định hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường... Muốn làm được điều này, trước hết Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế liên kết trong phát triển vùng, làm cơ sở pháp lý cho các địa phương nội vùng đẩy mạnh hợp tác, phát triển không chỉ riêng lĩnh vực du lịch mà cả các ngành kinh tế khác cũng như lĩnh vực văn hóa-xã hội, môi trường.


THÀNH NAM/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/day-manh-lien-ket-de-phat-trien-du-lich-vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-705422

  • Từ khóa