Phép thử cho quan hệ Trung Quốc - châu Âu

Thứ 7, 17.06.2023 | 14:35:30
1,362 lượt xem

Đức đã gọi Trung Quốc là "đối thủ hệ thống" trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên được công bố trước thềm chuyến thăm Berlin của Thủ tướng Lý Cường


Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Đức và Pháp từ ngày 18-6 sẽ được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường quan hệ với hai cường quốc châu Âu này trước sức ép gia tăng từ Mỹ.

Theo tờ South China Morning Post, đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Cường kể từ khi lên làm Thủ tướng Trung Quốc hồi tháng 3-2023, qua đó có thể củng cố chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) về việc "giảm rủi ro" nhưng không "chia tách" với Trung Quốc.

Sau khi Đức sớm xoay trục theo hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Thủ tướng Olaf Scholz đã công khai làm rõ lập trường chống lại việc chia tách với Bắc Kinh vào tháng 10-2022.

Ông Scholz đưa ra tuyên bố này vài tháng trước khi EU áp dụng chiến lược kinh tế tương tự về việc giảm thiểu rủi ro nhưng thúc đẩy quan hệ đối tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực có lợi ích chung, như chống biến đổi khí hậu.

Phép thử cho quan hệ Trung Quốc - châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 6-4. Ảnh: REUTERS

Ông Austin Strange, chuyên gia tại Trường ĐH Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết chiến lược giảm thiểu rủi ro về mặt lý thuyết sẽ cho phép các quốc gia xác định và xử lý hiệu quả hơn rủi ro phát sinh từ những tình huống quốc tế.

Ông Strange nhận định chiến lược này nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định cũng như giảm thiểu cơ hội cho hành động cưỡng ép kinh tế đối đầu có thể xảy ra.

Chuyên gia này nhận định: "Đức dường như muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc như một đối tác kinh tế quan trọng nhưng theo đuổi sự hợp tác có chọn lọc nhằm giảm thiểu tổn hại về kinh tế, chính trị và an ninh".

Nếu đạt kết quả, chuyến thăm sẽ cho thấy vẫn còn đó những cách thức hợp tác khả thi ngoài việc tách rời Trung Quốc và cách tiếp cận đối đầu hơn như trong những năm gần đây không phải là con đường duy nhất.

Trong một dấu hiệu cho thấy Đức vẫn còn thận trọng về chuyện hợp tác với Trung Quốc, Berlin đã gọi Bắc Kinh là "đối thủ hệ thống" trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên được công bố hôm 14-6.

Bà Zoon Ahmed Khan, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Vành đai và Con đường thuộc Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), cho rằng hiện có những quan điểm khác nhau tại Berlin, như Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock có quan điểm hoài nghi về Trung Quốc nhiều hơn Thủ tướng Scholz.

Vì thế, giới lãnh đạo Đức có thể dễ tìm được tiếng nói chung nhất về chuyện hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực.

Cụ thể, theo bà Khan, chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường sẽ đóng vai trò là nền tảng để hai nước thúc đẩy 3 chương trình nghị sự chính gồm hợp tác kinh tế và thương mại bằng cách thúc đẩy tự do hóa thương mại; hợp tác về quản trị toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu và hợp tác về hòa bình toàn cầu.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine không phải là ưu tiên trong chuyến thăm nhưng hai bên có thể thảo luận về chủ đề này để đánh giá lập trường của nhau, theo nhà phân tích quan hệ quốc tế Andrew Korybko ở Nga.

Ông cho rằng hai nước có rất ít điểm chung về vấn đề này và Bắc Kinh nhiều khả năng nhắc lại cam kết thúc đẩy đàm phán hòa bình. Cũng theo ông Korybko, cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến thế giới theo những cách khác nhau nhưng không phải là trở ngại cho việc cải thiện quan hệ Trung Quốc - Đức, vốn đang tập trung vào thương mại.

Sau khi thăm Đức, Thủ tướng Lý Cường sẽ tới Pháp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-6. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4-2023.

Sau khi trở về, ông Macron đã gây tranh cãi với phát biểu cho rằng châu Âu phải giảm phụ thuộc vào Mỹ. Theo chuyên gia Khan, chuyến thăm trên của ông Macron đã nêu bật sự trỗi dậy của Nam bán cầu và vai trò của Bắc Kinh trong quản trị toàn cầu. 

Bất đồng về Huawei, ZTE

Trung Quốc hôm 16-6 lên tiếng phản đối mạnh mẽ lệnh cấm của một số nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Tập đoàn Viễn thông Huawei Technologies khi cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) không có cơ sở pháp lý hoặc bằng chứng xác thực để làm như vậy.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh EC không trưng ra bằng chứng về việc các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei, gây ra rủi ro an ninh, đồng thời thúc giục EU tuân thủ các quy định thương mại quốc tế.

Trước đó một ngày, ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU, cho biết hiện chỉ mới 10 trong số 27 quốc gia EU hạn chế hoặc cấm Huawei và ZTE Corp (một tập đoàn viễn thông lớn khác của Trung Quốc) tham gia các mạng viễn thông 5G của mình, từ đó đe dọa đến an ninh chung của khối.

Theo Reuters, ông Breton cũng thúc giục các nước EU còn lại mạnh tay hơn với Huawei và ZTE, đồng thời cho biết 2 công ty này sẽ bị cấm tham gia các chương trình do EU tài trợ.

Khoảng 3 năm trước, EU đã nhất trí về các biện pháp an ninh dành cho mạng 5G, theo đó hạn chế sử dụng nhà cung cấp "rủi ro cao" do nỗi lo về nguy cơ phá hoại hoặc gián điệp.

Giờ đây, theo trang Bloomberg, EC lần đầu tiên công khai gọi Huawei và ZTE là nhà cung cấp "rủi ro cao" và đang tăng áp lực lên các quốc gia thành viên về việc ngừng sử dụng thiết bị của 2 công ty này trong các mạng di động tiên tiến nhất. Đáp lại, Huawei cho rằng động thái của EU không dựa trên việc đánh giá khách quan, minh bạch và được kiểm chứng về mạng 5G.

Hoàng Phương


Xuân Mai 

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/phep-thu-cho-quan-he-trung-quoc-chau-au-20230616214528649.htm

  • Từ khóa