Bệnh án điện tử: Tiện lợi nhưng chậm triển khai

Thứ 6, 19.03.2021 | 14:49:46
360 lượt xem

Bệnh án điện tử không chỉ là số hóa hồ sơ mà còn tích hợp tiện ích cho bác sĩ, điều dưỡng, nhà quản lý nhằm tăng hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân

Hiện nay, tại hầu hết bệnh viện (BV) ở TP HCM, mỗi nơi đều có sổ khám bệnh riêng, bệnh nhân (BN) tới khám bệnh phải mua một cuốn, thậm chí mỗi lần khám là phải mua sổ mới vì thất lạc sổ cũ. Có những người "sở hữu" vài ba cuốn sổ khám bệnh. Tại nhiều BV, khi phải làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ, BN phải chầu chực tại các nơi xét nghiệm chờ lấy từng kết quả đem về cho bác sĩ đọc.

Tiết kiệm chi phí, thời gian chờ khám

Việc triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế tới thầy thuốc và BN. Các kết quả xét nghiệm sẽ được chuyển theo đường mạng về khoa liên quan và lưu vào cơ sở dữ liệu của BV để bác sĩ điều trị có thể vào tham khảo.

Tháng 12-2019, BV Đa khoa khu vực Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) triển khai BAĐT tại 17 khoa, phòng, đồng thời thực hiện lưu trữ thông tin khám chữa bệnh (KCB) của BN trên cả hệ thống bệnh án giấy (giải pháp song song). Cuối tháng 2-2020, Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế tiến hành nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện BAĐT và công nhận BV đáp ứng các yêu cầu đặt ra, bảo đảm cơ sở hạ tầng CNTT, đường truyền, kết nối các phần mềm như hệ thống quản lý BV (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS)… để BAĐT hoạt động trơn tru, thuận lợi. Tháng 3-2020, BV chính thức "khai tử" bệnh án giấy. Chia sẻ trên trang thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, bác sĩ Bảo Phi, Trưởng Phòng CNTT của BV Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết trung bình mỗi năm BV có khoảng 80.000 bệnh án giấy nội trú và ngoại trú, cần một kho lớn để lưu trữ, bảo quản hồ sơ và tốn rất nhiều chi phí in ấn phim, các kết quả siêu âm, xét nghiệm cũng như mua sắm văn phòng phẩm để ghi bệnh án giấy. BAĐT đã giúp loại bỏ nhiều công đoạn trong KCB, tiết kiệm nguồn chi phí giấy tờ, in ấn rất lớn và thời gian của BN cũng như y - bác sĩ.

Một điển hình khác là vào cuối tháng 10-2020, dự án triển khai hồ sơ BAĐT tại BV Bãi Cháy, một trong những BV hạng I tại tỉnh Quảng Ninh, đã được Cục CNTT nghiệm thu, công nhận BV đủ điều kiện triển khai hồ sơ BAĐT thay thế hoàn toàn bệnh án giấy. Bên cạnh đó, căn cứ Thông tư 54/2017/TT-BYT quy định về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở KCB, BV Bãi Cháy đạt mức 6/7 của tiêu chí "BV thông minh", nổi bật với những tiện ích như đăng ký và trả kết quả online bảo đảm điều tiết lượng BN đến thăm khám từ 1.200 - 1.800 người/ngày, giúp BN tiết kiệm thời gian chờ đợi, chủ động quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Tại TP HCM, việc thí điểm triển khai BAĐT đã được bắt đầu ngay từ tháng 3-2019 theo lộ trình của Bộ Y tế nhưng đến nay vẫn còn là thí điểm và chưa hoàn chỉnh để được công bố chính thức. BV Thủ Đức là nơi đầu tiên ứng dụng công nghệ vào việc thực hiện hồ sơ BN từ tận năm 2015. Ban đầu, BV triển khai thí điểm tại một khoa, sau đó nhân rộng cho các khoa khác và đến năm 2019 đã triển khai trên toàn BV. BV Nhân Dân Gia Định từ năm 2018 đã triển khai lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa, xét nghiệm mà không cần in. BV Đại học Y Dược TP HCM đã triển khai BAĐT, hệ thống PACS, hóa đơn điện tử toàn viện, ki-ốt điện tử từ năm 2017…

BAĐT không chỉ là số hóa hồ sơ mà còn tích hợp nhiều tiện ích cho BS, điều dưỡng và cả nhà quản lý nhằm tăng hiệu quả điều trị và tăng an toàn cho BN. Mức độ tích hợp các công cụ tiện ích này được chia thành nhiều cấp độ, BAĐT hoàn thiện nhất là từ cấp độ 7 trong tổng số 8 cấp độ của BAĐT được thống nhất trên toàn cầu.

Bệnh án điện tử: Tiện lợi nhưng chậm triển khai - Ảnh 1.

Đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều

Cần khung phần mềm thống nhất

Trong việc triển khai BAĐT, khó nhất là tình trạng mạnh ai nấy làm. Cơ sở hạ tầng và nhân sự trực tiếp thao tác vẫn còn nhiều bất cập. Tất nhiên, không thể tập trung và độc quyền mà cần mở rộng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển hệ thống phần mềm nhưng cần có khung thống nhất để bảo đảm sự kết nối và liên thông giữa các cơ sở và trên quy mô toàn quốc. Việc sử dụng các phần mềm khác nhau, không thể tương thích trong kết nối giữa các tuyến sẽ làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân.

Bộ phần mềm BAĐT cũng cần tích hợp nhiều tiện ích công nghệ cho các thầy thuốc. Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả hệ sinh thái BV thông minh lẫn hệ thống hồ sơ BAĐT. Kinh nghiệm từ Malaysia, nước bắt đầu tiển khai hệ thống HIS từ năm 1993, việc triển khai hồ sơ BAĐT tại các BV công lập có 4 nhóm trở ngại liên quan đến các vấn đề về chi phí, công nghệ, con người và pháp lý.

Bộ Y tế Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó có BAĐT, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả cơ sở KCB trên cả nước, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu Y tế quốc gia. 


PHẠM HỒNG PHƯỚC/NLD.COM.VN

https://nld.com.vn/cong-nghe/benh-an-dien-tu-tien-loi-nhung-cham-trien-khai-20210316212228693.htm

  • Từ khóa