Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ việc thực hiện hiệu quả quy chế công tác dân vận

Thứ 6, 20.01.2023 | 14:54:36
1,176 lượt xem

Công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, được thực hiện theo cơ chế, phương thức được Đảng quy định cụ thể trong Quy chế công tác dân vận. Thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Quyết định số 593-QĐ/TU, ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến quan trọng, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị

Các cơ quan, đơn vị thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 đang làm công tác dân vận trên địa bàn huyện Văn Quan. Ảnh: THANH MAI

Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đã tổ chức quán triệt, triển khai Quy chế bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; theo hướng tăng số lượng các hội nghị chuyên đề học tập, quán triệt Quy chế đảm bảo kịp thời, đồng bộ. Điển hình như: Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn”; Huyện ủy Hữu Lũng tổ chức hội nghị tập huấn về những nội dung mới của Quy chế… Nhờ làm tốt công tác quán triệt, triển khai, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác dân vận được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Quy chế công tác dân vận của địa bàn, đơn vị mình theo hướng cụ thể, thiết thực; thực hiện nghiêm túc việc phân công 01 đồng chí cấp ủy viên trực tiếp phụ trách công tác dân vận của Đảng. Đồng thời, duy trì nền nếp chế độ giao ban, làm việc định kỳ giữa thường trực cấp uỷ với ban dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội về tình hình Nhân dân và công tác dân vận.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến rõ nét. Các cấp chính quyền và các đơn vị trực thuộc quan tâm phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được tăng cường, gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từng bước chuyển nhận thức từ mệnh lệnh, hành chính sang chính quyền hỗ trợ, phục vụ Nhân dân. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 2.875 hội nghị đối thoại với Nhân dân để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền lợi và yêu cầu chính đáng của Nhân dân. Ý thức, trách nhiệm và tác phong, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, quan hệ với Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” cấp cơ sở đạt được bước tiến quan trọng, hiện nay toàn tỉnh đã có 166/200 (chiếm 83%) xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng mô hình đạt kết quả. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, tham gia tích cực cùng địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân xây dựng tổ chức vững mạnh. Chất lượng các cuộc vận động ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai ngày càng sâu rộng, lan tỏa, có tác dụng tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét trong đời sống xã hội; tính riêng trong năm 2022 đã có 411 mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện và hàng nghìn mô hình cấp cơ sở được đăng ký thực hiện. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phản biện đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; tổ chức các cuộc giám sát, kiến nghị xử lý các vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế tiêu cực ở cơ sở, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2022, công tác phản biện xã hội đã có sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh và chính quyền cấp cơ sở; Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội đã tổ chức phản biện 78 dự thảo văn bản, với 478 ý kiến phản biện xã hội.

Một trong những nét nổi bật đó là phương thức thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị đã thay đổi theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ cách làm và được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác dân vận thông qua các cơ chế phối hợp liên ngành, chương trình phối hợp, hội nghị giao ban định kỳ… Khi có tình huống phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thiên tai, dịch bệnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội có phương án ứng phó kịp thời. Ban Dân vận các cấp đã chủ trì, phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền; phát huy vai trò nòng cốt chính trị tham gia lực lượng xung kích.

Điều này được thể hiện qua kết quả của công tác vận động Nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, như: công tác dân vận trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố và đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra đối với tỉnh; qua đó tiếp tục củng cố lòng tin của Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, với một số dấu ấn nổi bật như:

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị còn những hạn chế như: một số ít cấp uỷ, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn xem nhẹ công tác dân vận; việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình Nhân dân, nhất là những địa bàn, lĩnh vực phức tạp có lúc chưa kịp thời, sâu sát. Công tác dân vận các cơ quan nhà nước tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của một phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt. Công tác phối hợp, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giữa cơ quan chức năng với Ban Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội có lúc chưa chặt chẽ nhất là trong giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện chính sách dân tộc…

Để khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, phát huy hơn nữa hiệu quả thực hiện Quy chế công tác dân vận; thời gian tới, các cấp ủy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận. Tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Kịp thời cụ thể hóa, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận gắn với hình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của mỗi cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu. Đổi mới cách thức, đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tiếp tục phát huy vai trò công tác dân vận của lực lượng vũ trang, thực hiện nền nếp Quy chế dân chủ ở cơ sở. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành các văn bản, quy định để thực hiện trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đổi mới hoạt động quản lý điều hành của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân. Xây dựng và thực hiện các thiết chế tăng cường công tác dân vận; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hiện đại hóa nền hành chính. Nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý tiêu cực, tham nhũng, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh những vấn đề bức xúc của Nhân dân theo thẩm quyền.

Thứ ba là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng nâng cao hiệu quả các chương trình, quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp. Phát huy rõ nét vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động gắn với xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và nguyện vọng của Nhân dân. Các phong trào phải có tính bền vững, sức lan toả và khả năng nhân diện cao, hướng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu được xác định trong nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Thứ tư là tăng cường hiệu quả phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tham mưu, triển khai thực hiện công tác dân vận. Các tổ chức trong hệ thống chính trị tăng cường chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện công tác dân vận. Nhất là, trách nhiệm theo từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền như: công tác tuyên truyền, vận động; công tác thể thế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận; công tác tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác dân vận; các cơ chế phối hợp liên ngành, chương trình phối hợp giữa các ban, chế độ giao ban, hội nghị chuyên đề; công tác dân vận tham gia giải quyết tình huống phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thiên tai, dịch bệnh.


GIÁP THỊ BẮC , Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

https://baolangson.vn/chinh-tri/556457-phat-huy-suc-manh-tong-hop-cua-he-thong-chinh-tri-tu-viec-thuc-hien-hieu-qua-quy-che-cong-tac-dan-van.html

  • Từ khóa