V-League chia hai nửa đẳng cấp

Chủ nhật, 13.08.2023 | 08:50:17
199 lượt xem

Trình độ, đẳng cấp giữa các đội bóng ở sân chơi V-League được phân hai nửa rõ rệt, thể hiện qua vị trí trên bảng xếp hạng cuối mùa giải 2023

Chẳng có lấy một đội bóng nào thuộc khu vực Đông Nam Bộ xuất hiện trong nhóm A (nhóm tranh chấp ngôi vô địch) ở giai đoạn 2 V-League 2023. CLB TP HCM và B.Bình Dương đều vật vã với cuộc đua trụ hạng và chỉ hoàn thành mục tiêu ở vòng đấu cuối cùng của mùa giải. Trong khi đó, 6 đội dẫn đầu bảng xếp hạng V-League 2023 đều nằm ở phía Bắc, gồm: Công an Hà Nội, Hà Nội, Viettel, Đông Á Thanh Hóa, Hải Phòng và Thép Xanh Nam Định.

Bóng đá Đông Nam Bộ sa sút

Sau hơn 20 năm bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, lần gần nhất một đội bóng thuộc khu vực Đông Nam Bộ đăng quang ở sân chơi V-League là B.Bình Dương vào năm 2015. Kể từ thời điểm đó, CLB Hà Nội và Viettel thay nhau đứng trên bục cao nhất ở sân chơi này.

Phân tích nguyên nhân khiến thành tích thi đấu của bóng đá TP HCM nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung sa sút tệ hại trong thời gian dài vừa qua, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng các đội bóng ở khu vực này chưa kịp hội nhập với sân chơi chuyên nghiệp. "Kinh phí là yếu tố tiên quyết để xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp vững mạnh. Nếu các hoạt động bóng đá không thể kiếm thêm thu nhập từ việc bán vé, bản quyền truyền hình, kinh doanh áo đấu, mua bán cầu thủ hay quảng cáo... thì đội bóng đó khó thể tồn tại lâu dài trong cơ chế chuyên nghiệp" - ông Xương nhận xét.

Cũng theo đánh giá của HLV sinh năm 1959 này, bóng đá vùng Đông Nam Bộ kém phát triển trong thời gian qua vì nhiều nguyên nhân: Không được quan tâm, đầu tư nhiều từ nguồn lực địa phương, lại còn phải vất vả tìm kiếm nhà tài trợ trước mỗi mùa giải khiến nhiều đội bóng không "mặn mà" với việc thăng hạng. Trong khi đó, CLB TP HCM và B.Bình Dương cũng đang trong tình cảnh eo hẹp kinh phí hoạt động trong gần 3 năm trở lại đây nên cũng không có cơ hội để mua sắm cầu thủ chất lượng cao, phục vụ cho mục tiêu đua tranh danh hiệu.

"Ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp, chuyện hơn thua nhau ở trình độ, đẳng cấp thể hiện qua lực lượng cầu thủ nòng cốt. Tại sân chơi V-League, các đội "nghèo" đương nhiên phải tận dụng những cầu thủ đã qua thời kỳ đỉnh cao hoặc có trình độ chuyên môn tầm trung bình và chơi bóng với mục tiêu trụ hạng. Ngược lại, đội "rủng rỉnh" tiền bạc thì có lợi thế lớn trong cuộc đua tranh ngôi vô địch. Tuy nhiên, điều đó khiến bóng đá nghèo nàn, không tạo được sự bất ngờ, mất sức hút từ khán giả và chất lượng giải đấu cũng sẽ ngày càng sụt giảm" - ông Đoàn Minh Xương nói thêm.

V-League chia hai nửa đẳng cấp - Ảnh 1.

CLB TP HCM và B. Bình Dương - hai đội bóng khu vực Đông Nam Bộ vừa trụ hạng thành công ở vòng cuối V-League 2023. Ảnh: QUỐC AN

Phương cách vực dậy

Ở những khu vực có nền bóng đá phát triển, họ luôn ưu tiên việc xây dựng nền móng từ phương cách đào tạo trẻ hiệu quả. "Tôi từng đến Nhật Bản, Hàn Quốc hay Tây Ban Nha và ấn tượng với mô hình xây dựng và thi đấu bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng nơi đây. Các địa phương luôn dành sự đầu tư lớn, nghiêm túc thực hiện việc đào tạo cầu thủ trẻ vì cho rằng đó là cách để duy trì bản sắc bóng đá vùng miền, tạo danh tiếng" - ông Xương chia sẻ.

Tại TP HCM, kể từ khi CLB Công an TP HCM, Cảng Sài Gòn hay Hải Quan tan rã thì cái gọi là bản sắc, lối chơi truyền thống thi đấu ở nơi đây cũng dần phai nhạt. Sài Gòn Xuân Thành hay Sài Gòn FC không thể trụ lâu ở sân chơi chuyên nghiệp vì không có chính sách đầu tư dài hạn và phát triển bền vững. Nhiều năm qua, khán đài sân Thống Nhất thưa thớt người xem dù CLB TP HCM vẫn còn trụ lại ở sân chơi V-League.

Trong khi đó, các "lò" đào tạo bóng đá danh tiếng của Việt Nam hiện nay gần như đều nằm ở khu vực phía Bắc, gồm: CLB Hà Nội, Viettel, Trung tâm PVF... Bên cạnh việc được tài trợ kinh phí đều đặn, nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương cũng như khán giả hâm mộ, những trung tâm này thường xuyên sản sinh ra tài năng trẻ cho bóng đá nước nhà. Đó cũng là cách giúp trình độ, đẳng cấp và nội lực của những đội bóng này được nâng tầm.

"Đã đến lúc những người có trách nhiệm, những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam cần ngồi lại với nhau để xét lại những gì đã và chưa đạt được của bóng đá nước nhà trong thời gian qua. Để bóng đá Việt Nam sánh ngang với các cường quốc bóng đá châu lục thì trước tiên cần chuyên nghiệp hóa từ các câu lạc bộ ở giải quốc nội" - chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh. 


Tường Phước/nld.com.vn

https://nld.com.vn/the-thao/v-league-chia-hai-nua-dang-cap-20230812212823583.htm

  • Từ khóa