Có nên tắm khi trẻ bị tay chân miệng?

Thứ 3, 04.07.2023 | 09:12:05
754 lượt xem

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ sợ khi tắm sẽ làm vỡ các phỏng nước nên kiêng tắm. Điều này là đúng hay sai?

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tay chân miệng là bệnh lý phổ biến ở trẻ, với các biểu hiện: Sốt (trên 37,5 độ C); Loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi lưỡi) và/hoặc phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối.

Có nên tắm khi trẻ bị tay chân miệng? - 1

Dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng (Ảnh: Getty).

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ sợ khi tắm sẽ làm vỡ các phỏng nước nên kiêng tắm. Điều này hoàn toàn sai lầm, không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu mà còn có thể gây nhiễm trùng.

Vì thế, trẻ mắc tay chân miệng vẫn cần được tắm hàng ngày bằng xà phòng sát khuẩn hoặc nước sạch, sau khi tắm bôi Betadin 3% đề phòng nhiễm trùng da.

Cha mẹ cần chú ý tắm cho trẻ nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh, không chọc vỡ hay đắp lá lên nốt phỏng.

Dưới đây là 3 lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng:

Kiểm soát tình trạng sốt của trẻ

Trẻ bị tay chân miệng sốt trên 38, 5 độ C thì cần chườm ấm ở cổ, nách, bẹn kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần. Để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm.

Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục thì cha mẹ dùng Ibuprofen 5-10mg/kg/lần xen kẽ với Paracetamol (Ibuprofen cần uống theo chỉ định của bác sĩ).

Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống dung dịch oresol pha theo đúng hướng dẫn để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.

Trẻ mắc tay chân miệng cần được cách ly tại nhà trong 10-15 ngày.

Vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách

Các nốt phỏng, loét miệng sẽ khiến trẻ đau đớn, không ăn uống được. Cần cho trẻ vệ sinh răng miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc pha nước ấm với muối (1 muỗng 5g muối pha với 240ml nước ấm).

Ở trẻ nhỏ chưa biết tự xúc miệng, người lớn dùng tay quấn gạc mềm vệ sinh răng, góc má, lưỡi nhẹ nhàng tránh làm tổn thương niêm mạc miệng.

Để giảm đau cho trẻ, nên bôi Glycerin borat, Zytee…vào vết loét miệng 3 lần/ ngày, trước khi ăn 30 phút.

Nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ (có thể vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng thìa vì trẻ đau miệng không bú được), uống sữa, ăn các đồ ăn mềm, nguội. 

Nhận biết dấu hiệu cảnh báo trở nặng

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).

Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.


Tú Anh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-nen-tam-khi-tre-bi-tay-chan-mieng-20230704064623023.htm

  • Từ khóa