Đăng ký và quản lý hộ tịch ở Cao Lộc: Chuyển biến từ giải pháp thiết thực

Thứ 6, 04.08.2023 | 14:35:50
323 lượt xem

Thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã triển khai những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác hộ tịch trên địa bàn huyện. Qua đó, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hộ tịch.

Công chức tư pháp – hộ tịch xã Xuân Long, huyện Cao Lộc hướng dẫn người dân viết tờ khai đăng ký lại khai sinh

Từ năm 2016 trở về trước, công tác hộ tịch tại huyện Cao Lộc vẫn còn một số hạn chế như: một bộ phận đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp xã còn thiếu kỹ năng xử lý tình huống, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt và giải quyết các sự kiện hộ tịch còn hạn chế; nhận thức của người dân về lĩnh vực hộ tịch còn hạn chế, vẫn còn tình trạng tự ý sửa chữa, thêm, bớt giấy tờ hộ tịch, đi đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn. Nguyên nhân của hạn chế trên do công tác tuyên truyền về hộ tịch chưa được sâu rộng, hiệu quả; đội ngũ cán bộ còn hạn chế về năng lực, chưa được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…

Trước thực trạng đó, UBND huyện Cao Lộc đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Bà Hoàng Hải Yến, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cao Lộc cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, phòng đã tham mưu UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Hộ tịch; ban hành văn bản quán triệt các quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, kế hoạch công tác tư pháp hằng năm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong việc quản lý hộ tịch.

Theo đó, công tác tuyên truyền về Luật Hộ tịch được chú trọng. Hằng năm, UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đến người dân qua các cuộc họp, loa truyền thanh, phát tờ rơi… Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện tổ chức được hơn 1.200 cuộc phổ biến pháp luật, cho hơn 98 nghìn lượt người nghe, cấp phát hơn 39 nghìn tờ rơi, tài liệu pháp luật, trong đó có nội dung về Luật Hộ tịch. Đặc biệt, khi công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính, công chức tư pháp – hộ tịch vừa hướng dẫn, vừa lồng ghép tuyên truyền về Luật Hộ tịch cho người dân. Chị Vi Thị Ngọc Tuyết, thôn Yên Thủy 1, xã Yên Trạch cho biết: Tháng 5/2023 vừa qua, tôi đăng ký kết hôn với người Trung Quốc, tôi được UBND huyện tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, công chức tư pháp huyện tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn tôi rất tận tình, tôi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, công việc giải quyết nhanh chóng. Trong buổi lễ, chúng tôi được lãnh đạo phòng tư pháp huyện tuyên truyền, giải thích về trách nhiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc, các quy định của nhà nước về Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Vừa tăng cường tuyên truyền, huyện vừa quan tâm tuyển dụng, bố trí, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã. Hằng năm, huyện đều cử công chức tư pháp – hộ tịch tham gia các lớp tập huấn do Sở Tư pháp tổ chức; huyện tổ chức 1- 2 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ công chức này. Từ đó, đảm bảo 100% công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn đều có chứng chỉ hộ tịch theo quy định, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch. Hiện nay, huyện có 38 công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã, trong đó 35/38 người là cử nhân luật, 3/38 người có bằng trung cấp luật.

Cùng đó, huyện chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký quản lý hộ tịch. Từ năm 2017 đến nay, phòng tư pháp huyện và 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đưa vào sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung. Từ đó, các thông tin đăng ký hộ tịch đã được cập nhật kịp thời, thuận lợi tra cứu, thống kê, cấp bản sao, giải quyết nhanh chóng yêu cầu của người dân, giảm tải áp lực công việc cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã.

Anh Hà Văn Hải, công chức tư pháp – hộ tịch xã Xuân Long cho biết: Trung bình mỗi ngày, xã có từ 5 đến 8 lượt công dân tới thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực hộ tịch. Trước đây, chúng tôi phải vào sổ, ghi tay từng việc hộ tịch, các văn bản bằng giấy dễ hư hỏng mất mát, trả kết quả hộ tịch cho người dân cũng mất 2 hoặc 3 ngày. Từ khi dùng phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung, tôi dễ dàng tra cứu thông tin, trích xuất số liệu báo cáo. Một số hồ sơ, thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch đủ giấy tờ, kết quả được trả sau 1 tiếng hoặc ngay trong buổi sáng, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

Bằng các giải pháp cụ thể, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện từng bước ổn định và đi vào nền nếp, cơ sở vật chất được cải thiện. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt; có ý thức tự giác đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật. Đơn cử từ năm 2022 đến nay, toàn huyện tiếp nhận, giải quyết trên 4.300 việc hộ tịch, trong đó, khai sinh trên 1.900 trường hợp, khai tử trên 900 trường hợp, đăng ký kết hôn được trên 500 cặp, xác định tình trạng hôn nhân được cho trên 600 trường hợp… Các sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác, đảm bảo về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không phát sinh đơn thư, khiếu nại, tố cáo lĩnh vực hộ tịch.


DƯƠNG DUYÊN

https://baolangson.vn/phap-luat/601648-dang-ky-va-quan-ly-ho-tich-o-cao-loc-chuyen-bien-tu-giai-phap-thiet-thuc.html

  • Từ khóa