Trả lời bạn xem truyền hình ngày 27/02/2024

Thứ 3, 27.02.2024 | 15:05:39
1,546 lượt xem

Câu 1. Ông Lê Tiến Dũng trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Người cho người khác vay tiền với lãi xuất cao sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho vay trong giao dịch dân sự với lãi xuất gấp 05 lần trở lên mức lãi xuất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có tính chất chuyên bóc lột, nhằm thu lợi bất chính.

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự thì mức lãi xuất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

          Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có tính chất chuyên bóc lột nhằm thu lợi bất chính là vi phạm pháp luật, tùy theo tình chất, mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý như sau:

  1. Xử phạt vi phạm hành chính

Tại Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2-21 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các hành vi sau đây:

    - Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự; 

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được

          2. Xử lý hình sự

          Điều 201 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau

      “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

          2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

          3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.''

          Theo quy định trên, một người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên, được coi là có hành vi phạm tội cho vay lãi nặng khi cho người khác vay tiền thông qua các hình thức như vay, mượn, ký nợ thông qua hợp đồng bằng văn bản, hoặc thỏa thuận miệng, với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên (100%/ số tiền vay/năm) mức lãi xuất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự, có tính chất chuyên bóc lột nhằm thu lợi bất chính;

Thủ đoạn là lợi dụng người đi vay gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như thiên tai, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần một số tiền gấp để phục vụ sinh hoạt, khám, chữa bệnh…; 

Tội phạm được hoàn thành tại thời điểm người phạm tội thu lợi bất chính số tiền từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng, nhưng người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng mà chưa được xóa án tích.

Câu 2. Ông Triệu Văn Quang trú tại xã Hòa Bình, huyện Văn Quan hỏi: pháp luật quy định như thế nào về việc trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật?

Trả lời:

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, thì người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:

- 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;

- 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

- 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

Về chế độ bảo hiểm y tế: Các đối tượng trợ cấp xã hội hàng tháng nêu trên, được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trường hợp được cấp nhiều loại thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế có quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất.

Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng sẽ được hưởng các chế độ sau:

- Về trợ cấp xã hội hàng tháng các đối tượng sẽ được hưởng mức hỗ trợ như sau:

+ 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;

+720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

+ 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế;

- Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề;

- Hỗ trợ chi phí mai táng;

Người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được hỗ trợ như sau:

  • Về trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng là:

+ 1.800.000 đồng đối với trẻ em dưới 04 tuổi;

+ 1.440.000 đồng đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên.

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.

- Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 18 triệu đồng.

- Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.

- Hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm:

+ Được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất theo quy định của pháp luật.

+ Từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.

+ Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội không còn học phổ thông thì được giới thiệu học nghề.

+ Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được đưa trở về nơi ở trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở trước đây của đối tượng có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.

+ Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương xem xét hỗ trợ để có nơi ở, tạo việc làm và cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục giải quyết trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.

  • Từ khóa