Tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước

Thứ 3, 30.04.2024 | 00:00:00
459 lượt xem

Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, cả cuộc đời đồng chí đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, khi đất nước còn chìm đắm trong vòng nô lệ, hơn 4 tuổi mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ, bất công mà các tầng lớp nhân dân lao động phải chịu dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến. Trần Phú đã sớm có ý thức tự lập, vượt khó vươn lên trong học tập và đến với các tổ chức yêu nước, đến với phong trào cách mạng.

Truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng nơi đồng chí sinh ra (thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) và quê hương dòng tộc (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã để lại cho Trần Phú những ấn tượng sâu sắc, góp phần bồi đắp cho người thanh niên lòng yêu quê hương, đất nước, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước.

Tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước

Thẻ căn cước đồng chí Trần Phú thời còn dạy học ở Vinh. Ảnh tư liệu 

Từ khi còn là học sinh, Trần Phú đã giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn,... và cùng nhau nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Họ lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội” để cùng nhau đọc sách, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, được cổ vũ bởi tấm gương cựu học sinh Quốc học Huế Nguyễn Tất Thành (khi đó được biết đến với tên Nguyễn Ái Quốc) với những hoạt động cách mạng đầy tiếng vang ở nước ngoài.

Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Trường Quốc học Huế, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Tại Vinh, Trần Phú đã tham gia Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Nam Hưng, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng), một tổ chức của những người trí thức yêu nước; tham gia phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ cho công nhân, nông dân và những người nghèo khổ.

Với tất cả nhiệt huyết của mình, Trần Phú đã truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quê hương và dân tộc. Trần Phú bước vào con đường cách mạng ở thời điểm các hoạt động cách mạng sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc tại Paris đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới trong nước. Tình hình trong nước vào những năm này cũng có những chuyển biến lớn, tác động đến thanh niên yêu nước. Ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày càng mạnh, thu hút nhiều thành viên tiên tiến của Hội Phục Việt, trong đó có Trần Phú, và Trần Phú đã quyết định bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng.

Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Có thể nói, đây là bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú và tại đây, Trần Phú đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khóa huấn luyện đã trang bị cho Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản, về lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin để từ một thanh niên có tư tưởng cách mạng yêu nước, Trần Phú đã chuyển sang lập trường cách mạng vô sản; tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, một tổ chức nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sáng 18-4-1931, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn. Suốt 5 tháng bị giam cầm, hết bốt Pô lô đến bốt Catina, rồi Khám lớn Sài Gòn, trước những lời đe dọa và đòn tra tấn dã man, Trần Phú vẫn hiên ngang, không hề run sợ. Đối diện những bộ mặt mật thám khét tiếng với những thủ đoạn nhà nghề, Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù và thẳng thắn thừa nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng vẫn không để kẻ thù moi được bất cứ điều gì bí mật của Đảng.

Đồng chí tuyên bố dứt khoát: “Các người đừng hỏi gì vô ích. Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”(1). Phải là một người có bản lĩnh phi thường, một tinh thần sáng suốt, một tình cảm và ý chí cách mạng cao cả mới có thể trả lời như thế. Đó là sự khẳng định mình và tổ chức của mình; trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với lý tưởng cộng sản. Chính bản lĩnh ấy của đồng chí Trần Phú đã làm cho kẻ thù vị nể, khiếp sợ. Với những người bạn chiến đấu, Trần Phú luôn căn dặn: Anh em hãy ráng mà giữ vững tinh thần chiến đấu.

Tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước
Trường Quốc học Huế - nơi đồng chí Trần Phú theo học những năm từ 1918 đến 1922. Ảnh tư liệu 

Ngày 6-9-1931, do suy kiệt vì sức khỏe, Tổng Bí thư Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn). Trước lúc hy sinh, Trần Phú vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào, với lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản coi là một tổn thất chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đầu những năm 30 của thế kỷ 20: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và những phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú làm được nhiều việc cho Đảng.

Hơn 6 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng ở thời điểm cách mạng sôi sục, bị kẻ thù khủng bố điên cuồng, hy sinh khi tuổi đời mới 27, cuộc đời của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng rực rỡ như ánh sao băng trên bầu trời. Đối với những người cộng sản và yêu nước Việt Nam, tấm gương hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc của đồng chí Trần Phú đã cổ vũ tinh thần chiến đấu không chỉ đối với các chiến sĩ cách mạng cùng thời mà cho mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước. Tổng Bí thư Trần Phú là cán bộ của Đảng đã thể hiện đạo đức cách mạng trong sáng, trung thành với Đảng, với cách mạng, với dân tộc, lạc quan tin tưởng vào tương lai và sự tất thắng của cách mạng. Biểu hiện cao đẹp nhất, sâu sắc nhất ở đồng chí Trần Phú là tài năng và nghị lực; là sự vận dụng, kết hợp giữa tri thức cách mạng và nhiệt tình cách mạng. Đó là tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước, tấm gương của một trong những chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ một tấm gương mẫu mực của người cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của đồng chí Trần Phú trước kẻ thù đã cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đấu tranh giành lại độc lập, tự do, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/tam-guong-tieu-bieu-cho-lop-thanh-nien-yeu-nuoc-774938

  • Từ khóa