Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Thứ 4, 01.05.2024 | 14:27:15
373 lượt xem

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Khách du lịch các nước tham quan Đền Ngọc Sơn, Hà Nội. (Ảnh HỒ HẠ)

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều xu hướng, nhu cầu du lịch mới, đòi hỏi công tác xúc tiến, quảng bá cũng phải có hướng đi mới, cách làm mới để khẳng định vị thế thương hiệu du lịch Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam vinh dự nhận 19 giải thưởng hàng đầu thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) trao tặng; trong đó, lần thứ 4 Việt Nam được vinh danh “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”; lần thứ 5 liên tiếp đạt danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Mới đây, website quảng bá du lịch quốc gia (vietnam.travel) của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã được chuyên trang đánh giá, xếp hạng website toàn cầu similarweb.com xếp vào tốp đầu khu vực, vượt qua website du lịch của Thái Lan về tỷ lệ truy cập từ thị trường quốc tế.

Gần đây, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá trên nền tảng số, ngành du lịch nước ta cũng đã chủ động tham gia nhiều sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế lớn, góp phần thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm nay, nước ta đã đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này cho thấy, nỗ lực xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thời gian qua đã mang đến những hiệu ứng tích cực, giúp hình ảnh Việt Nam ngày càng được nhận diện rõ nét hơn trên bản đồ du lịch thế giới.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận việc quảng bá, xúc tiến du lịch của nước ta vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, nhất là khi nguồn kinh phí dành cho công tác này của Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức đầu tư hơn 100 triệu USD/năm của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, có nhiều thách thức mà quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam đang phải đối mặt, như: Sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19; tình trạng giá cả dịch vụ, vé máy bay cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; xung đột chính trị, kinh tế trên thế giới ảnh hưởng đến thu hút khách từ một số thị trường nguồn truyền thống.

Đó là chưa kể, việc xuất hiện các xu hướng mới của thị trường, công nghệ cũng đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng phải kịp thời, hiệu quả hơn. Trong khi đó, cơ chế giải ngân kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chưa khơi thông; ngành du lịch chưa có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các văn phòng xúc tiến tại nước ngoài; cơ chế trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng chưa hiệu quả. Thực trạng này đặt ra yêu cầu du lịch Việt Nam phải có những phương thức, cách làm mới, sáng tạo trong quảng bá, xúc tiến để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, công nghệ.

Tổng Giám đốc Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á cho rằng, để có những giải pháp xúc tiến du lịch đúng và trúng, phải đặc biệt chú ý khâu nghiên cứu thị trường. Hiện nay, một bộ phận lớn du khách quốc tế đến Việt Nam theo hình thức tự túc, không thông qua các công ty du lịch, cho nên muốn thúc đẩy sự quan tâm của lượng khách này, cần có những cách thức tiếp cận, quảng bá mới, nhất là qua các nền tảng truyền thông số.

Theo ông Á, du khách nói chung, đặc biệt là khách châu Âu, Mỹ thường tìm kiếm những điểm đến sở hữu những thứ không có ở quê hương họ, vì vậy du lịch Việt Nam cần nhấn mạnh tới những yếu tố này khi truyền thông điểm đến.

Bà Đồng Thị Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Sungroup đề xuất: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần đẩy mạnh kết nối với Bộ Ngoại giao để đưa được các đoàn famtrip gồm đại diện các hãng lữ hành, nhà báo quốc tế đến trải nghiệm những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, từ đó lan tỏa rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; đồng thời vận dụng các kênh báo chí đối ngoại trong nước để chuyển tải những thông điệp, hình ảnh về du lịch Việt Nam.

Bà Ánh cũng lưu ý, khi xây dựng nội dung truyền thông cần thể hiện được hành trình trải nghiệm mang tính xuyên suốt, bài bản, giúp du khách thấy được đến Việt Nam rất thuận lợi và được làm chủ hành trình chứ không bị phụ thuộc vào lịch trình tour hay hướng dẫn viên. Trong khi nước ta chưa thể thành lập nhiều trung tâm xúc tiến du lịch tại nước ngoài, nên có sự phối hợp để đưa các Đại sứ quán Việt Nam trở thành kênh kết nối, đưa các thông tin về du lịch Việt Nam ra thế giới.

Về phương thức quảng bá, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, cần triển khai các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, mỗi năm lựa chọn ba đến bốn hoạt động xúc tiến quảng bá tại nước ngoài để tạo đột phá, đầu tư triển khai ở tầm quốc gia với sự đóng góp của doanh nghiệp cả về ý tưởng, tư vấn và tài chính, tạo ra hiệu ứng lan tỏa cao; đồng thời đa dạng hóa loại hình, cách thức tiếp cận thị trường, kết hợp và tối ưu hóa giữa các hình thức marketing truyền thông tích hợp, giữa các hình thức trực tuyến và trực tiếp…

Trước thực trạng các doanh nghiệp, địa phương vẫn chủ yếu triển khai xúc tiến, quảng bá du lịch theo kiểu nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nhiều chuyên gia cũng nêu quan điểm cơ quan quản lý về du lịch cần có kế hoạch tổng thể tạo hành lang chung để các địa phương, doanh nghiệp có cơ sở đồng hành tham gia, từ đó huy động được nguồn lực chung giúp nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo hiệu quả mạnh mẽ hơn trong xúc tiến, quảng bá du lịch.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/doi-moi-de-tao-dot-pha-trong-xuc-tien-quang-ba-du-lich-post807309.html

  • Từ khóa