Vang mãi hào khí Chi Lăng

Thứ 2, 10.10.2022 | 09:20:18
1,000 lượt xem

Chi Lăng là vùng đất giàu truyền thống gắn liền với những chiến công hiển hách trong công cuộc dựng nước, giữ nước. Qua các giai đoạn lịch sử, hào khí Chi Lăng vẫn luôn vang vọng, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng nói riêng và của Lạng Sơn nói chung.

Theo các tài liệu lịch sử, thời kỳ phong kiến, vùng đất này ghi dấu nhiều chiến công của cha ông ta với 2 lần chống quân Tống (năm 981 và năm 1077), 2 lần chống quân Nguyên – Mông xâm lược (năm 1285 và 1287)… Đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng năm 1427, quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội, tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy.

Hướng dẫn viên Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng giới thiệu về Ải Chi Lăng cho thế hệ trẻ.  Ảnh: Hoàng Huấn

Chính sử ghi chép lại, đầu năm 1427, nhà Minh đã cử 2 đạo binh để cứu vãn tình trạng bị vây hãm trong các tòa thành, trong đó, đạo binh do Liễu Thăng chỉ huy đi từ Quảng Tây xuống; đạo binh do Mộc Thạnh chỉ huy đi theo đường Vân Nam. Để có thể tiêu diệt được hai đạo binh này, Lê Lợi xác lập chủ trương “vây thành diệt viện”, tăng cường vây hãm thành Đông Quan, hạ các thành dọc hai bên đường địch tiến sang. Ngày 8/10/1427, đạo quân Liễu Thăng tiến dần đến cửa ải Pha Lũy, tướng Trần Lựu vừa đánh vừa rút chạy về Khâu Ôn. Quân địch tiến tiếp, Trần Lựu tiếp tục lui về Ải Lưu (Chi Lăng, Lạng Sơn). Ngày 10/10/1427, Liễu Thăng dẫn một đạo quân xông lên trước mở đường tiến vào Chi Lăng, tướng Trần Lựu đem quân đón đánh rồi tiếp tục giả thua chạy, Liễu Thăng truy đuổi và tiến thẳng vào trận địa mai phục của quân ta ở phía Nam ải Chi Lăng. Tại đây, Liễu Thăng bị trúng lao chết bên sườn núi Mã Yên.

Trận chiến tiêu diệt đạo quân tiếp viện Liễu Thăng của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy cách đây gần 6 thế kỷ đã để lại trên vùng đất Chi Lăng nhiều di tích, chứng tích vẫn còn hiển hiện cho tới ngày nay. Tiêu biểu như thành cổ Chi Lăng; cửa ải Quỷ Môn “thập nhân khứ – nhất nhân hoàn” (mười người đi chết chín người, một người về); núi Mã Yên; Lê Tổ kiếm thạch – Liễu Thăng thạch… Cùng với đó, đầm lầy Mã Yên tương truyền là nơi tiêu diệt đội kỵ binh do Liễu Thăng chỉ huy. Hàng loạt địa danh như Bãi Hào, lũy ngõ thề… từng là nơi mai phục, chặn đánh quân Minh; làng Đồn, Thành Kho, đấu đong quân (nơi kiểm tra số lượng binh lính), Ba Đàn, làng Chung… là những căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn và hậu cứ của các trận đánh. Chiến thắng Chi Lăng là khúc ca hùng tráng về chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng và nghệ thuật quân sự của ông cha ta. Những di tích này đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962 gồm 52 điểm di tích, phần lớn thuộc xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Trong đó, 24 điểm di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2019).

Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 855/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, đề ra giải pháp, lộ trình, nguồn kinh phí thực hiện cụ thể; giao UBND huyện Chi Lăng làm đầu mối.

Du khách thăm quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng

Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Chúng tôi đã ban hành kế hoạch cụ thể hóa về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Chi Lăng từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống về di tích với nhiều hình thức như: phối hợp với các Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất được 10 chương trình giới thiệu về di tích lịch sử Chi Lăng; phát 30 tin, bài trên hệ thống truyền thanh cơ sở với khoảng 50.000 lượt người nghe, xem.

Cùng đó, UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo khoa học “Khu di tích lịch sử Chi Lăng, giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy” nhằm làm sáng rõ hơn giá trị của di tích. Ngoài ra, UBND huyện cũng luôn chú trọng tới công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phát triển các tour du lịch về nguồn gắn với quảng bá hình ảnh KDT lịch sử. Hiện nay, Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng lưu giữ trên 500 ảnh, tài liệu, hiện vật. Hằng năm, có rất nhiều cơ quan, đơn vị, trường học phối hợp với nhà trưng bày tổ chức các hoạt động tìm hiểu lịch sử tại đây. Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhà trưng bày đã đón gần 4.000 lượt khách.

Ông Phan Văn hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị khu di tích, nhằm từng bước xây dựng khu di tích xứng tầm là khu di tích quốc gia đặc biệt, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của khu di tích. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chi Lăng theo Quyết định số 1539/QĐ-Tgg của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 16/9/2021.

Gắn liền với lịch sử dân tộc, vùng đất Chi Lăng với những chiến công hiển hách, những giá trị lịch sử quan trọng đã góp phần tạo nên hào khí Chi Lăng để hậu thế mãi tự hào. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng sự đồng lòng của Nhân dân, “bản hùng ca” Chi Lăng sẽ còn vang mãi đến mai sau.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/532359-vang-mai-hao-khi-chi-lang.html

  • Từ khóa