Những nội dung lớn được sửa đổi trong Luật Thanh tra

Thứ 3, 25.10.2022 | 14:48:34
649 lượt xem

Rà soát kỹ để lược bỏ các quy định có sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng, có thể thực hiện "tùy nghi" nhằm tránh lợi dụng, lạm dụng khi áp dụng để thực hiện hành vi tiêu cực.

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và nêu một số nội dung lớn, đáng chú ý để các đại biểu góp ý.

Những nội dung lớn được sửa đổi trong Luật Thanh tra - 1

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, ông Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật về việc duy trì hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện; trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đổi mới về tổ chức và hoạt động để bảo đảm cho Thanh tra huyện có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành trong đó có Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội cho giữ mô hình Ban Tiếp công dân huyện như hiện hành thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

Về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trên thực tế, tại các cơ quan này đã tổ chức các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra (như Thanh tra - pháp chế, Thanh tra - kiểm tra…) và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên, trong một số luật đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, việc dự thảo luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong dự thảo luật như Chính phủ đã trình và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội quy định rõ trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Những chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục sẽ được xử lý ngay từ giai đoạn xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra; đồng thời, Bộ trưởng với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất về ngành, lĩnh vực phụ trách sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành để hoạt động thanh tra bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW là "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính".

Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo hướng chỉ quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành ở cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời quy định tiêu chí, điều kiện thành lập chỉ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.

Với Ban Cơ yếu Chính phủ - cơ quan trực thuộc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị Quốc hội cho chuyển xuống quy định riêng, tương tự như đối với thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Về Thanh tra sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp: Theo quy định của luật; tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.

"Quy định như vậy vừa bảo đảm được yêu cầu về quản lý nhà nước, sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước, vừa đáp ứng được đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương; đồng thời, vẫn bảo đảm thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra"- ông Tùng thông tin.

Những nội dung lớn được sửa đổi trong Luật Thanh tra - 2

Quốc hội thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng 25/10 (Ảnh: Quốc Chính).

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc đã chỉ đạo rà soát dự thảo luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán.

Dự thảo luật đã quy định theo hướng: Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện; dự lường tối đa các trường hợp có thể xảy ra chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra; bổ sung quy định dự phòng để xử lý chồng chéo, trùng lặp phát sinh ngoài các tình huống đã được dự liệu…

Về việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Hoàng Thanh Tùng khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho các cơ quan thanh tra, bảo đảm quán triệt đầy đủ chủ trương mới của Đảng về phòng, chống tiêu cực. Đồng thời, chỉ đạo rà soát kỹ để lược bỏ các quy định có sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng, có thể thực hiện "tùy nghi" nhằm tránh lợi dụng, lạm dụng khi áp dụng để thực hiện hành vi tiêu cực.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 14/11.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-noi-dung-lon-duoc-sua-doi-trong-luat-thanh-tra-20221025115526729.htm

  • Từ khóa