Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội và 2 dự án luật

Thứ 3, 08.11.2022 | 09:45:28
786 lượt xem

Sáng 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và Nghị quyết Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.


Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia phiên thảo luận tại hội trường


Đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

Tại phiên thảo luận đã có 10 ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và có 14 lượt ĐBQH phát biểu, 1 đại biểu phát biểu tranh luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản tán thành với hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá và báo cáo của Bộ Công an giải trình tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết.

Góp ý vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 dự thảo nghị quyết về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá được sử dụng biển số xe trúng đấu giá để đăng ký cho xe thuộc sở hữu của mình, cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định rõ thêm điều kiện của xe ô tô thuộc sở hữu được phép đăng ký gắn với biển số xe trúng đấu giá. Ví dụ như: phải là xe mới, chưa đăng ký hoặc là xe đã đăng ký rồi nhưng muốn thay sang biển số mới.

Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 3 dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về việc hoàn tiền trúng đấu giá khi người trúng đấu giá qua đời nhưng biển số chưa được đăng ký, cân nhắc sửa theo hướng linh hoạt hơn như có thể trao quyền cho người nhận thừa kế của người trúng đấu giá được lựa chọn phương án hoàn tiền, hoặc được thừa kế biển số xe trúng đấu giá đó.

Tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định vào nội dung “quá thời hạn 12 tháng mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số trúng đấu giá với xe thuộc sở hữu, thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số xe”. Đối với nội dung này, cần quy định rõ thêm là thu hồi biển số đã trúng đấu giá, nhưng không hoàn tiền đã đấu giá nhằm để hạn chế trường hợp đầu cơ, găm biển số.

Tại Điểm c Khoản 2 Điều 4 dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nới lỏng quy định theo hướng người được cho tặng, nhận thừa kế được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng nên có hệ thống theo dõi địa chỉ IP của máy tính hoặc thiết bị thông minh thường xuyên kết nối vào Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến và thường xuyên tham gia các hoạt động đấu giá các biển số, để hạn chế được việc tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá không trong sáng, đầu cơ, găm biển số.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.


Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đóng góp ý kiến tại tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Điều 21 của dự án luật về chỉ định thầu đã quy định mở rộng hơn so với luật hiện hành về trường hợp chỉ định thầu nhưng chưa thực sự phù hợp với mục tiêu là nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch hiệu quả kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cụ thể từng trường hợp chỉ định, tránh việc lợi dụng hoặc lạm dụng chỉ định thầu.

Về đấu thầu trước quy định tại Điều 39 của dự án luật, đại biểu cho rằng, khoản 2 điều này quy định các công việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án là rất rộng, vì vậy, đại biểu đồng tình với khuyến nghị của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cân nhắc kỹ việc quy định này để đảm bảo tính hợp lý, tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật khác, đồng thời cân nhắc, rà soát kỹ các trường hợp được đấu thầu.


Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Phát biểu tại thảo luận tổ, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu góp ý về phạm vi điều chỉnh; đấu thầu quốc tế; chỉ định thầu (Điều 21); đấu thầu thuốc; đảm bảo thống nhất với các luật chuyên ngành khác. Đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu đóng góp ý kiến vào các nội dung về chính sách; mặt bằng giá thị trường; thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Quỹ bình ổn giá (Điều 22 , Điều 72); phạm vi thẩm định giá của Nhà nước (Điều 62);…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/539036-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-gop-y-kien-vao-2-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-va-2-du-an-luat.html

  • Từ khóa