Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam

Thứ 4, 20.12.2023 | 09:10:07
502 lượt xem

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng Việt Nam, đưa nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác

Cách đây 77 năm, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người viết: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(1).

Chung sức đồng lòng

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, quân và dân cả nước với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như một bài hịch cứu nước, làm lay động hàng triệu người Việt Nam, cùng đoàn kết đứng lên, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. 

Người nói: "Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"(2).

Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12-1946 Ảnh: TTXVN

Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12-1946 .Ảnh: TTXVN

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người là kế tục Tuyên ngôn độc lập năm 1945: "Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"(3). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lựa chọn con đường kháng chiến chông gai để bảo vệ hòa bình, bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Lời kêu gọi của Bác như một cương lĩnh về đại đoàn kết toàn dân, về chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn đất nước. 

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, thực hiện tâm nguyện của Bác, dân tộc Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giữ vững nền hòa bình, độc lập của dân tộc, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế Việt Nam.

Niềm tin để vượt qua khó khăn, thách thức

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ra đời trong bối cảnh đất nước ta đối mặt với hàng loạt thách thức. Đó là ở phía Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng, đi cùng là bọn Việt Quốc, Việt Cách; phía Nam, thực dân Pháp núp sau quân đội Anh muốn cướp nước ta lần nữa. Trong nước, "giặc đói" hoành hành làm hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói, hơn 95% dân số mù chữ. 

Hoàn cảnh đó đặt Việt Nam vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" nếu không xử lý tốt 2 vấn đề "kháng chiến" và "kiến quốc" thì dễ dẫn đến nguy cơ mất nước. Do đó, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến không chỉ là kháng chiến mà còn là biện pháp hữu hiệu để kiến quốc, bảo vệ đất nước, bảo vệ hòa bình.

Với tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến", mọi việc có thể nhân nhượng, thay đổi, nhưng chỉ có một thứ bất biến là độc lập dân tộc. Điều này đã được Người nói rõ khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"(4).

Ngày nay thế giới đã và đang trải qua những biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc, nhưng tư tưởng độc lập dân tộc trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng Việt Nam, đưa nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định khi trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm thực hiện đổi mới đất nước của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, đó là: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"(5).

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những thời điểm mang tính chất sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc. Đây là niềm tự hào, động lực to lớn, niềm tin lớn lao để toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. 

Ngày nay, dù đã qua 77 năm nhưng ý nghĩa và giá trị của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn chói lọi trong tiến trình lịch sử dân tộc, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, cộng đồng tiến bộ trên thế giới về ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại.


1. Hồ Chí Minh toàn tập (2013), tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, tr.534

2. Hồ Chí Minh toàn tập (2013), tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, tr.534

3. Hồ Chí Minh toàn tập (2013), tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, tr.3

4. Hồ Chí Minh toàn tập (2013), tập 15, NXB Chính trị Quốc gia, tr.627

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 104.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/soi-chi-do-xuyen-suot-cua-cach-mang-viet-nam-196231218203801558.htm

  • Từ khóa