Dùng thông tin cá nhân đăng ký thuê bao cho người khác có thể bị phạt

Thứ 2, 25.12.2023 | 15:31:06
460 lượt xem

Luật Viễn thông 2023 quy định trách nhiệm của người dân, nêu rõ không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để đăng ký thuê bao cho người khác. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng sim rác, được quy định tại Luật Viễn thông 2023.

Tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết Luật Viễn thông gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

Trả lời các vấn đề liên quan công tác quản lý sim rác, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết thừa nhận đây là vấn đề tồn tại qua nhiều thời kỳ.

Dùng thông tin cá nhân đăng ký thuê bao cho người khác có thể bị phạt - 1

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long (Ảnh: Hồng Phong).

Theo ông Long, Bộ TT&TT đã cùng Bộ Công an xây dựng Cơ sở cơ sở luật quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao. "Nhưng có đúng chính chủ hay không, cần một thời gian nữa để đối soát, làm sạch", ông Long nói.

Ông cho biết còn tình trạng  một số người dân được thuê đi đăng ký thông tin thuê bao. Sau đó đối soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì hoàn toàn đúng, không có gì sai, chỉ có điều đây là trường hợp lạm dụng, không phải người sử dụng.

"Trước đây khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không biết được thông tin thuê bao có đúng hay không, nhưng bây giờ chúng ta đã kiểm soát được. Khi đăng ký thuê bao online cũng phải đối soát, nhìn thấy hình ảnh khuôn mặt mới làm được", Thứ trưởng Phạm Đức Long giải thích.

Dù vậy, ông thừa nhận vẫn còn tình trạng lạm dụng, người dân được thuê đi ra ngoài đứng tên đăng ký thông tin thuê bao, dẫn đến sim không chính chủ tràn lan.

Với Luật Viễn thông hiện hành, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết không có quy định về trách nhiệm của nhà mạng cũng như của người dân trong xử lý thông tin thuê bao, song Luật Viễn thông 2023 đã bổ sung nội dung này.

Luật mới quy định thêm trách nhiệm của người dân và nêu rõ "không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác, trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký".

"Nếu vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính", theo lời ông Long.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà mạng, trước đây chỉ lưu trữ đủ để hồ sơ, giấy tờ không có xác thực, nhưng nay phải đồng hành để xác thực thông tin thuê bao.

"Khi có sự kết hợp trách nhiệm của người dân, trách nhiệm của nhà mạng thì sẽ giải quyết triệt để vấn đề sim rác trong thời gian tới", theo lời ông Long.

Dùng thông tin cá nhân đăng ký thuê bao cho người khác có thể bị phạt - 2

Người dân dùng thông tin cá nhân đăng ký thuê bao cho người khác sẽ bị phạt (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Thông tin thêm về một số điểm mới của Luật Viễn thông 2023, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Luật Viễn thông năm 2009 đã quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet nhưng chưa thực hiện được. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, nguyên nhân chủ yếu là do khó xác định đầy đủ các loại mã, số viễn thông thực hiện đấu giá và khó xác định giá khởi điểm để đấu giá.

Luật Viễn thông 2023 đã giải quyết vướng mắc này bằng cách quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/dung-thong-tin-ca-nhan-dang-ky-thue-bao-cho-nguoi-khac-co-the-bi-phat-20231225115450164.htm

  • Từ khóa