Gần 20 năm qua, trong cuộc sống hằng ngày và đặc biệt khi tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khèn ngân lên trong rập rìu đêm xòe bất tận, đồng bào các dân tộc xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên lại nói nhiều về bộ đội Phòng không-Không quân, ai cũng bảo, nhờ những người lính "canh trời" mà họ có một nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang, đẹp đẽ; đồng bào luôn biết ơn và sẽ nhớ mãi…
Phút giao lưu, gặp gỡ giữa bộ đội Phòng không-Không quân và nhân dân các dân tộc xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. |
Chúng tôi lên Điện Biên, dọc đường đi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về ngôi nhà văn hóa ở xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên qua lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Dân vận Quân chủng Phòng không-Không quân. Nhưng phải đến khi mắt thấy, tai nghe và sống với đồng bào, tôi mới cảm nhận được nhiều hơn nghĩa tình quân dân thắm đượm giữa bộ đội Phòng không-Không quân và nhân dân các dân tộc nơi này.
Mời tôi cùng hòa vào không gian văn hóa đa sắc màu đang diễn ra trong ngôi nhà khang trang mà vẫn giữ nguyên được bản sắc ở địa phương, ông Cà Văn Tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Minh bồi hồi nhớ lại: Khi mới thành lập, xã Thanh Minh nghèo đói đủ đường. Đói về cái ăn, thiếu về cái mặc đã đành, đằng này, người dân nghèo cả về nơi sinh hoạt cộng đồng. Khát khao có một không gian sinh hoạt khang trang, rộng rãi không những chỉ là mơ ước của Đảng ủy, chính quyền xã mà còn là nguyện vọng tha thiết của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, mơ ước và nguyện vọng ấy sẽ rất khó thực hiện nếu như năm 2004, tức là sau 11 năm thành lập xã, bộ đội Phòng không-Không quân không xây tặng xã ngôi nhà văn hóa này. Từ khi có không gian sinh hoạt khang trang, nhiều nét đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã được khôi phục, củng cố và phát triển. Và khi đời sống tinh thần được củng cố và phát triển, nhân dân các dân tộc trong xã cũng phấn khởi và hăng say hơn trong lao động, sản xuất. Đến nay, đời sống mọi mặt ở xã đã được nâng lên. Nhân dân chúng tôi biết ơn bộ đội Phòng không-Không quân lắm…!
Được biết, tại nơi này, ngày 30/3/1954, loạt đạn trên trận địa bản Púng Tôm của Đại đội Pháo cao xạ 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 đã "nuốt gọn" chiếc máy bay C-47 của thực dân Pháp. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị bộ đội Pháo cao xạ bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng chính từ trận địa này, nhiều chiếc máy bay khác của địch đã bị hạ gục.
Vừa để tỏ lòng biết ơn trước sự cưu mang giúp đỡ và đùm bọc nghĩa tình của nhân dân các dân tộc xã Thanh Minh dành cho bộ đội Phòng không-Không quân trong xây dựng, chiến đấu và chiến thắng; vừa để thắt chặt hơn nữa ân tình quân dân sâu nặng, năm 2004, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã quyết định xây tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Thanh Minh ngôi nhà văn hóa, với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng; công trình là nhà sàn kiên cố, do Lữ đoàn Công binh 28 thi công.
Giữa lâng lâng men rượu, nắm chặt tay tôi rập rìu trong vòng xòe rộn rã, chị Quàng Thị Thời, một hạt nhân văn nghệ của xã xúc động kể: Năm tôi 15 tuổi cũng là năm bộ đội xây dựng ngôi nhà này. Tôi vẫn còn nhớ, khi xây dựng ngôi nhà, cả xã Thanh Minh mừng như có hội. Khi ấy, chẳng phân biệt trẻ, già, xóm trên, bản dưới, chín dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất này phối hợp lao động cùng bộ đội và ca hát. Cũng từ khi có ngôi nhà này, người già, trẻ con và thanh niên nam nữ đã có nơi để tụ hội, hò hẹn trong những ngày vui, ngày lễ và đặc biệt đó là không gian lý tưởng để người người tìm đến bên nhau trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Không muốn rời tay nhau khi tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khèn đang ngân lên da diết và vòng xòe ngày cứ rộng mãi ra trong không gian của ngôi nhà văn hóa đầy ắp nghĩa tình, kỷ niệm của người lính "canh trời" với đồng bào các dân tộc xã Thanh Minh.
Vô tình trong lúc chia tay, tôi có nói mong có một ngày gần nhất sẽ được lên thăm và chung vui nhiều hơn với đồng bào thì ông Lường Văn Chựa, Bí thư Đảng ủy xã tỏ ra không vui. Ông Chựa bảo: "Phải nói là sẽ trở về với bà con chứ, vì đây là ngôi nhà chung của bộ đội Phòng không-Không quân với đồng bào mà".
Tôi nhận lỗi và rưng rưng xúc động trong vòng tay xiết ôm ấm áp của bà con, vì biết rằng, ở nơi này, nghĩa tình giữa người lính "canh trời" và đồng bào các dân tộc anh em xã Thanh Minh ngày qua ngày cứ thêm nặng và đẹp mãi cùng thời gian, năm tháng, như năm xưa quân và dân đã từng sát cánh bên nhau đánh giặc và ca hát.
Theo nhandan.vn