Trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất thí điểm 8 cơ chế đặc thù để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có cơ chế phân cấp cho cấp huyện.
Sáng 16/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương được giao còn rất chậm.
Vì thế, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).
"Các giải pháp này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp", theo báo cáo của Chính phủ.
Tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội quyết định thí điểm 8 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trình Quốc hội lần này, Chính phủ đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Chưa thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện ngay trong giai đoạn 2021-2025; quy định cơ chế định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Theo phương án này, HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ, UBND cấp tỉnh giao dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm cho huyện được lựa chọn thí điểm theo tổng số vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND cấp tỉnh quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 và hàng năm giao cho huyện được lựa chọn thí điểm.
HĐND cấp huyện quyết định việc phân bổ vốn thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần; danh mục dự án đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ cho rằng quy định cơ chế thí điểm như phương án 1 để làm cơ sở cho quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 sẽ đảm bảo tính thận trọng; không làm xáo trộn các kế hoạch, dự toán ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hàng năm đã được Quốc hội quyết nghị.
Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ...
Chính phủ phân tích, dù đẩy mạnh phân cấp sẽ tạo sự chủ động cho cấp huyện tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, linh hoạt điều chỉnh theo thực tiễn của địa phương, song phương án này cũng làm phát sinh một số bất cập.
Trước hết, địa phương phải mất thời gian xây dựng, ban hành các quy định cụ thể để triển khai thực hiện cơ chế, dự kiến sẽ làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình tại địa bàn thí điểm.
Bên cạnh đó, Chính phủ lo ngại Có thể xảy ra tình trạng địa phương chỉ ưu tiên vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, không ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng chính sách theo mục tiêu Quốc hội.
Ngoài ra, việc điều chỉnh cơ cấu vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa vốn đầu tư, vốn sự nghiệp sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn thực hiện các chương trình đã được Quốc hội quyết nghị trong giai đoạn 2021-2025.
Do vậy, Chính phủ đề xuất cho phép các địa phương được quyết định lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện cơ chế thí điểm tùy theo điều kiện thực tiễn; đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cấp trong triển khai thực hiện cơ chế.
Theo chương trình nghị sự, nội dung này sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 18/1.
Theo dantri.com.vn