Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania.
Tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024 là hoạt động quan trọng đầu tiên trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng. Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được đẩy mạnh, đạt một số kết quả thực chất. Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF ở cấp cao. Hai bên đã ký kết và triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Với chủ đề “Tái thiết lòng tin”, WEF Davos năm 2024 là hội nghị có quy mô lớn nhất được tổ chức kể từ sau đại dịch Covid-19 với hơn 2.600 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn toàn cầu có uy tín như WEF Davos là cơ hội để Việt Nam chuyển tải thông điệp về thành tựu phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đồng thời nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần của Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư.
Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công tác của Thủ tướng là Hungary. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với bề dày lịch sử hơn 70 năm giữa Việt Nam và Hungary phát triển tích cực trên tất cả lĩnh vực, từ hợp tác phát triển, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo đến nông nghiệp, văn hóa...
Năm 2018, nhân chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, đưa Hungary trở thành đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Cùng với việc duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp và đặc biệt là đoàn cấp cao, từ năm 2020, kim ngạch thương mại song phương vượt mức 1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hungary tại khu vực Đông Nam Á.
Hungary là nước Trung Đông Âu cấp nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên Việt Nam. Trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách của đại dịch Covid-19, với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, Hungary là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh.
Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước trong bảy năm qua. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary, nhất là về kinh tế, giáo dục-đào tạo, công nghệ dược phẩm. Trong bối cảnh Hungary sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng cuối năm 2024, chuyến thăm cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phối hợp với EU trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Cùng với Hungary, Romania cũng là quốc gia có quan hệ truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 70 năm. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, gồm cả cấp cao. Lãnh đạo Romania luôn khẳng định Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 400 triệu USD, tăng 15% so mức năm 2021. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU sáu tháng đầu năm 2019, Romania đã tích cực hỗ trợ, thúc đẩy việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và là một trong ba quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn EVFTA. Ngoài ra, hợp tác giữa Việt Nam và Romania trên các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, lao động... tiếp tục phát triển tích cực và hiệu quả.
Chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước trong 5 năm qua.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thế mạnh của Romania và phù hợp nhu cầu phát triển của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, y tế…, đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho quan hệ giữa Việt Nam và EU.
Là sự kiện quan trọng đối với Việt Nam và các đối tác châu Âu, chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thụy Sĩ; thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là cơ hội để Việt Nam thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tranh thủ đánh giá tích cực của bạn bè quốc tế về tiềm năng, cơ hội hợp tác và vị thế quốc tế của nước ta; cũng như tạo xung lực phát triển mạnh mẽ quan hệ tốt đẹp với WEF, Thụy Sĩ, Hungary và Romania.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tao-xung-luc-cho-quan-he-giua-viet-nam-va-cac-nuoc-chau-au-post792197.html