Sau thời gian học tập và làm việc ở Romania, nay Thủ tướng Phạm Minh Chính trở lại nơi đây với vai trò chính khách. Tham quan nhà Quốc hội, ông nghe, chia sẻ về nhiều nét đặc biệt của công trình này.
Tòa nhà Quốc hội Romania là địa điểm đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tới trong chuyến thăm chính thức nước này ngày 20-22/1. Vừa nghe hướng dẫn viên giới thiệu về công trình, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vừa chia sẻ thêm cho các thành viên đoàn Việt Nam nhiều nét đặc biệt của Tòa nhà Quốc hội Romania. Ông cũng thường dùng tiếng Romania để trao đổi với người đại diện Quốc hội Romania.
Romania là nơi Thủ tướng có thời gian dài gắn bó, học tập và làm việc. Thủ tướng cho biết khi còn học tại Trường đại học Xây dựng Bucharest, ông từng tới thực tập tại công trình này trong giai đoạn làm móng, thiết kế.
Tòa nhà Quốc hội Romania tọa lạc trên đồi Spirii, là tòa nhà hành chính dân sự lớn nhất ở châu Âu, một trong những tòa nhà hành chính lớn nhất thế giới. Công trình gồm 12 tầng, rộng 365.000m2 với khoảng 3.000 phòng, mỗi phòng đều mang một nét kiến trúc riêng biệt.
Theo hướng dẫn viên của Nhà Quốc hội Romania, công trình này được xây dựng bởi 700 kiến trúc sư và 20.000 công nhân, khởi công năm 1984 và hoàn thành chỉ trong 6 năm. Tất cả vật liệu từ đá, gỗ và pha lê đều của Romania.
Các cánh cửa gỗ trong công trình được thiết kế để có thể rút gọn vào bên trong tường.
Phòng hoa hồng, hay còn gọi là Phòng lễ tân, được dùng để tiếp các đại sứ và khách quốc tế, được trang trí theo kiểu Pháp.
Tên gọi Phòng hoa hồng được lý giải theo tông màu của chiếc thảm lớn giữa phòng. Đây là màu trung tính, tốt cho việc ngoại giao. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã ngồi chụp ảnh kỷ niệm.
Phòng hội thảo, bàn tròn có 2 mô túyp trang trí. Một của Romania và một kiểu của Italy. Giữa phòng là chiếc đèn chùm nặng 2 tấn của Romania với khoảng 150 bóng đèn bên trong. Ở giữa là tấm thảm tròn có hình mô phỏng hình ảnh trên trần.
Phòng trung tâm trong Tòa nhà Quốc hội rộng 1.000m2, được dùng cho các sự kiện tiếp tân, chiêu đãi, khiêu vũ. Căn phòng được trang trí theo kiểu Romania thế kỷ XVII, trên hoa văn có các hình hoa đối xứng. Chiếc thảm trong phòng này nặng khoảng 1 tấn và hoa văn trên thảm mô phỏng nền đá hoa của tòa nhà.
Tòa nhà Quốc hội Romania là công trình nặng nhất thế giới với 4 triệu tấn.
Mỗi phòng trong công trình đều có nét đặc biệt riêng do có lượng kiến trúc sư đông đảo, mỗi người đều mang đến một nét riêng biệt. Công trình sử dụng 1 triệu m3 đá với các màu khác nhau như hồng, trắng, đen…
Đây là một góc trong căn phòng lớn nhất Tòa nhà Quốc hội Romania, với diện tích khoảng 2.200m2, trần cao 16m.
Phòng có thể tiếp 1.000 người vào khiêu vũ. Họa tiết trang trí gồm vàng, đồng và nhiều vật liệu khác. Chiếc thảm màu đỏ trong căn phòng này nặng 3 tấn, được tạo ra ở chính nơi đây và cần đến 35 người mới có thể đẩy được tấm thảm ra khỏi phòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tham quan phòng tổ chức các cuộc hội thảo, họp báo, tọa đàm. Bên trong phòng là hàng ghế màu đỏ và phía dưới có các cabin phiên dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ nhiều kỷ niệm vui khi học tập, làm việc tại Romania. Ông từng học tại Trường đại học Xây dựng Bucharest và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Romania. Ông cũng nhớ rất nhiều chi tiết đặc biệt liên quan đến công trình mà cả đoàn đang tham quan.
Sảnh Tòa nhà Quốc hội Romania treo nhiều bức tranh của các danh họa nổi tiếng. Trên tường là tranh của một danh họa Romania, bức tranh thể hiện thông điệp hòa bình.
Bộ sưu tập các trang phục truyền thống của Romania đến từ các vùng khác nhau của đất nước cũng được trưng bày tại nơi đây.
Từ tầng trệt, đoàn di chuyển bằng cầu thang bộ xuống hầm để tới phòng biểu diễn kịch và các loại hình nghệ thuật như nhạc cổ điển, dân gian. Phòng có 600 chỗ ngồi, đèn chùm nặng 5 tấn và là chiếc đèn chùm nặng nhất của Romania.
Các ghế trong căn phòng này được cố định vào sàn và làm bằng gỗ, phủ da chính hãng của Romania, nghiêng theo chiều dốc xuống phía sân khấu.
Đại diện công trình khẳng định tất cả vật liệu xây dựng và trang trí tòa nhà như pha lê, da, gỗ, đá... đều của Romania, không phải nhập khẩu.
Kết thúc "tour tham quan Tòa nhà Quốc hội Romania", hướng dẫn viên thông báo sau khoảng một tiếng tham quan, cả đoàn đã đi bộ được khoảng 3km và lên xuống 200 bậc thang, nhưng mới chỉ đi được một phần rất nhỏ của công trình. Trong ảnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm ở cầu thang sảnh lớn của Tòa nhà Quốc hội Romania.
Theo dantri.com.vn