Đề xuất sửa nhiều quy định về tuyển dụng và quản lý công chức

Thứ 2, 05.02.2024 | 09:15:27
650 lượt xem

Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo Bộ Nội vụ, những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và đẩy mạnh phân cấp quản lý đội ngũ công chức.

Đề xuất sửa nhiều quy định về tuyển dụng và quản lý công chức - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

Đề xuất bổ sung, bỏ nhiều quy định

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định cán bộ, công chức cấp xã và người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được điều động, luân chuyển giữ vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức khác (kể cả điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã) khi tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện trở lên sẽ không phải sát hạch.

Bổ sung quy định, trường hợp cán bộ khi thôi làm nhiệm vụ (do hết nhiệm kỳ hoặc thôi làm nhiệm vụ khi chưa hết nhiệm kỳ mà không phải vì lý do bị kỷ luật) thì được bố trí vào làm công chức tại nơi đang công tác nếu còn vị trí việc làm phù hợp và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện mà không phải thực hiện thủ tục tiếp nhận.

Đối với viên chức và người công tác trong lực lượng vũ trang, cơ yếu, khi tiếp nhận vào công chức chỉ thực hiện kiểm tra, sát hạch bằng hình thức phỏng vấn - thay vì phải thực hiện thi viết hoặc viết và phỏng vấn như hiện hành. 

Dự thảo đề xuất bỏ quy định "Bộ Nội vụ có ý kiến về Đề án và chỉ tiêu nâng ngạch đối với thi nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương, từ nhân viên hoặc tương đương lên cán sự hoặc tương đương, từ cán sự hoặc tương đương lên chuyên viên hoặc tương đương" (khoản 2, khoản 3 Điều 32 và Điều 34 Nghị định số 138/2020) để thực hiện chủ trương phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ theo hướng mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích để được xét nâng ngạch so với quy định tại Nghị định số 138/2020; xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo hướng không xét nâng ngạch đồng loạt khi bổ nhiệm mà có sự phân biệt theo cấp hành chính.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm xây dựng và cung cấp miễn phí phần mềm dùng chung cho các Bộ, ngành, địa phương sử dụng trong tổ chức thi nâng ngạch để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện và tiết kiệm chi phí.

Đề xuất sửa nhiều quy định về tuyển dụng và quản lý công chức - 2

Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp do Bộ Nội vụ tổ chức tháng 8/2023 (Ảnh: Thanh Tuấn).

Xác định rõ "nguồn nhân sự tại chỗ"

Về quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định xác định thành phần tập thể lãnh đạo (bước 1). Về nguyên tắc thẩm quyền thuộc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm. Quy định cấp có thẩm quyền bổ nhiệm có thể phân cấp, ủy quyền cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cấp dưới trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm.

Dự thảo vừa hoàn thiện cũng bổ sung quy định các Bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể "thẩm quyền, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, trách nhiệm tổ chức cuộc họp các bước, quyết định cụ thể thành phần tham dự các bước trong quy trình bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc phạm vi phụ trách, bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng và quy định tại Nghị định này" để bảo đảm đúng thẩm quyền theo phân cấp tại Quy định số 80-QĐ/TW.

"Nguồn nhân sự tại chỗ được xác định như sau: Được quy hoạch vào vị trí chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tại đơn vị đang công tác hoặc được quy hoạch vào vị trí chức vụ, chức danh tương đương trở lên của đơn vị cấu thành cùng cấp trong cùng cơ quan có thẩm quyền sử dụng", dự thảo đề xuất.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-xuat-sua-nhieu-quy-dinh-ve-tuyen-dung-va-quan-ly-cong-chuc-20240204213426056.htm

  • Từ khóa