Chính phủ yêu cầu điều chỉnh giá điện với mức độ và thời điểm phù hợp

Thứ 5, 08.02.2024 | 08:31:55
392 lượt xem

Cùng với quán triệt không để thiếu điện và xăng dầu, Chính phủ yêu cầu điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến lạm phát.

Đây là một trong những chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa được Chính phủ ban hành.

Trong tháng đầu tiên của năm mới 2024, Chính phủ nhận định tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; nhiệm vụ, khối lượng công việc đặt ra ngày càng nhiều, phức tạp hơn.

Dù vậy, kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Chính phủ yêu cầu điều chỉnh giá điện với mức độ và thời điểm phù hợp - 1

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm", theo nghị quyết của Chính phủ.

Chính phủ dự báo tình hình thế giới thời gian tới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; xung đột tại một số khu vực còn kéo dài; nhiều nền kinh tế lớn dự báo tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm, tạo thách thức và áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu năm 2024.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch các địa phương quán triệt tinh thần điều hành của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Định hướng chỉ đạo cụ thể, Chính phủ yêu cầu trước mắt chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Lưu ý bám sát diễn biến tình hình cung cầu thị trường, giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu, Chính phủ yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả vào dịp Tết Nguyên đán; tập trung điều tiết, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa…

Bên cạnh chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, Chính phủ quán triệt cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước.

"Thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân", nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ cũng quán triệt chỉ đạo "kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng".

Đi kèm với đó, theo Chính phủ, cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ, có giá trị gia tăng cao.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy khởi công mới các dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… cũng là nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ chỉ đạo.

Trong triển khai hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược về giao thông, Chính phủ nhấn mạnh cần khích lệ, yêu cầu các nhà thầu thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa" để phấn đấu đạt và vượt tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

Chính phủ cũng yêu cầu bố trí đầy đủ cán bộ ứng trực, kịp thời xử lý các công việc phát sinh trước, trong kỳ nghỉ Tết; khẩn trương tập trung xử lý công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhất là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/chinh-phu-yeu-cau-dieu-chinh-gia-dien-voi-muc-do-va-thoi-diem-phu-hop-20240206215841411.htm

  • Từ khóa