Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long

Chủ nhật, 11.02.2024 | 09:19:33
416 lượt xem

Trong chuyến công tác tại Lào dự Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, thăm nước bạn Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc gặp mặt các cựu lưu học sinh Lào tại Việt Nam. Trong cuộc gặp mặt đong đầy cảm xúc đó, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi, rất nhiều đôi mắt đã đỏ hoe khi nghe lại những câu chuyện chạm vào trái tim, trong đó có những kỷ niệm thời đi học ở Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và những người cùng thế hệ.

Nhường cơm sẻ áo trong những ngày gian khó

Từ đầu thập niên 1950, trước nhu cầu của cuộc cách mạng ở nước bạn Lào, Việt Nam đã đón nhận một số cán bộ, chiến sĩ cách mạng Lào sang học tại Trường Văn hóa Quân đội T399. Đến năm 1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thành lập Khu học xá miền núi Trung ương-tiền thân của Trường Hữu nghị T78 ngày nay. Trong thời kỳ chiến tranh, những cô bé, cậu bé lưu học sinh người Lào được gửi ở cùng nhà dân trong quá trình học tập nên không chỉ nhận được sự dìu dắt từ các thầy, cô giáo mà còn nhận được sự đùm bọc chan chứa yêu thương từ những người dân quanh trường.

Cuộc gặp gỡ được mở đầu bằng cuốn phim tài liệu "Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" do Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp với một số cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện. Trong phân cảnh đầu tiên của phim, PGS, TS Somchan Bounphanmy, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Lào vỡ òa niềm vui và nghẹn ngào xúc động tìm gặp lại được người chú từng đùm bọc mình trong những ngày tháng học tập tại Việt Nam với bao gian khó bởi chiến tranh. Còn Vụ trưởng Vụ Tư vấn về phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương Lào Sulikhon Phommavongsa tâm sự khi nước mắt lăn dài trên má: "Tôi ở cùng với hai ông bà. Các con của ông bà đi bộ đội hết, chỉ còn hai ông bà ở nhà. Ông bà có khi phải nhịn đói, nhưng chúng tôi thì luôn được ông bà cho ăn cơm no để đi học".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane cùng các thầy, cô giáo Trường Hữu nghị T78 và đại biểu dự cuộc gặp mặt. 

Lúc này, trong hội trường, nhiều giọt nước mắt đã rơi trên những khuôn mặt in hằn dấu vết của tuổi tác. Họ nhìn thấy chính hình bóng của mình trong những câu chuyện mà PGS, TS Somchan Bounphanmy và đồng chí Sulikhon Phommavongsa chia sẻ. Họ từng ở cùng nhà dân, từng nhận được tình yêu thương, đùm bọc vô điều kiện của các thầy, cô giáo và của nhân dân quanh trường như thế!

"Khi tôi xem hình ảnh các đồng chí tìm gặp lại được thầy, cô giáo cũ, thăm lại nhà người dân mình từng sống hồi còn đi học ở Việt Nam trong thời chiến tranh, tôi rất xúc động. Đó là những ký ức rất sâu đậm", Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane chia sẻ.

Trải lòng bằng tiếng Việt về những kỷ niệm không thể phai mờ trong quãng thời gian học tập tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane rưng rưng xúc động. Khi cơ động tới trường học đã là 3 giờ sáng, đồng chí Saysomphone Phomvihane được bố trí ở nhờ trong một nhà dân. Bác trai và các con đều đi bộ đội cả. Nhà chỉ còn một mình bác gái, phải làm lụng mọi việc rất vất vả. Vì thế, đồng chí Saysomphone Phomvihane luôn hăng hái giúp bác mọi việc, từ nấu cơm tới ra đồng cày, cấy, gặt lúa, cắt rạ. Đó không chỉ là việc làm theo lời giảng của các thầy, cô giáo người Việt Nam rằng luôn phải hết lòng, hết sức giúp đỡ nhân dân, phải làm sao để "đi dân nhớ, ở dân thương" mà còn xuất phát từ ý thức trách nhiệm và lòng khâm phục đối với những người đàn ông trong các gia đình Việt Nam đã không quản ngại gian lao, hy sinh, lên đường chiến đấu vì hòa bình, độc lập cho cả Việt Nam và Lào, để các thế hệ học sinh được cắp sách tới trường. "Thực tiễn gian khổ ấy càng hun đúc cho tình đoàn kết, tình cảm yêu thương thắm thiết, gắn bó keo sơn, đùm bọc hết lòng và hiểu nhau hơn bao giờ hết giữa hai nước và nhân dân hai nước", Chủ tịch Quốc hội Lào nói.

Một trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai nước

Khi một số thầy, cô giáo cao tuổi bước lên sân khấu, đó là khoảnh khắc vỡ òa của những nỗi nhớ, niềm thương kìm nén bấy lâu. Nhiều cựu học sinh Lào da đã mồi, tóc đã bạc ôm chầm lấy những người thầy, người cô năm nào, líu ríu thăm hỏi, trò chuyện. "Cuộc gặp mặt thân mật hôm nay vô cùng đặc biệt và xúc động. Tôi hy vọng, cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này sẽ được Trường Hữu nghị T78, Ban Liên lạc cựu học sinh Lào của trường tiếp tục tiếp nối để các thế hệ lưu học sinh Lào có dịp tri ân các thầy, cô giáo, phát huy truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc. Đặc biệt là góp phần giáo dục các thế hệ mai sau luôn ý thức mạnh mẽ về nhiệm vụ, vai trò của bản thân trong việc kế thừa, gìn giữ, vun đắp và trao truyền mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xúc động nói.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane cùng các thầy, cô giáo Trường Hữu nghị T78 và đại biểu dự cuộc gặp mặt.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã, đang và luôn coi hợp tác giáo dục-đào tạo, nhất là cán bộ các cấp, kể cả cán bộ chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Lào là một trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Hiện nay, tuy trong điều kiện còn khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn quyết định dành thêm nguồn lực không nhỏ để tăng cường cơ sở vật chất cho Trường Hữu nghị T78, thường xuyên có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt để thầy, trò nhà trường làm tốt hơn nữa sự nghiệp giáo dục-đào tạo. "Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam, trong thời gian tới, Trường Hữu nghị T78 sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có, luôn thực sự xứng đáng là địa chỉ tin cậy của các lưu học sinh Lào khi học tập tại Việt Nam, là minh chứng cho mối quan hệ bền vững, sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Lào trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực 65 năm qua và trong tương lai", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Hôm ấy, tôi ngồi cạnh Sysomphone, một cán bộ trẻ-một cựu lưu học sinh Lào tại Việt Nam, từng học tiếng Việt tại Trường Hữu nghị T78 và học chuyên ngành tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Giờ đây, Sysomphone đang là cán bộ của Ủy ban liên Chính phủ Lào-Việt Nam. Anh không giấu được cảm xúc khi nghe những người thuộc thế hệ đi trước chia sẻ kỷ niệm khó phai mờ về sự yêu thương, đùm bọc, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của người dân hai nước Việt Nam-Lào ngay cả trong thời kỳ kháng chiến gian khó nhất, khốc liệt nhất. "Tôi luôn nhớ những thầy giáo, cô giáo Việt Nam của mình. Tôi thiết tha mong sớm có ngày được sang Việt Nam thăm lại các thầy, cô giáo", anh Sysomphone chia sẻ với tôi.

Chứng kiến cuộc gặp mặt, chúng tôi ai nấy đều cảm động theo từng cái bắt tay, từng vòng ôm siết chặt của tình thầy, trò xuyên biên giới. Với sự chung tay chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật vượt qua mọi thời khắc gian khó nhất, hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào sẽ luôn khắc ghi mối quan hệ đặc biệt, để trao truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-giap-thin-2024/bao-quan-doi-nhan-dan-hang-ngay-xuan-giap-thin/tinh-sau-hon-nuoc-hong-ha-cuu-long-763132

  • Từ khóa