Trung Quốc đang có hơn 100.000 ô tô tự lái chạy trên các đường phố của mình. Dự kiến đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có khoảng 10-20 triệu xe tự lái hoạt động. Xe tự lái chỉ là một trong những thành tựu to lớn về phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc. Đứng đằng sau những thành tựu to lớn này là các cán bộ, công chức của Trung Quốc.
Cán bộ, công chức của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc cách mạng AI. Họ là những người trực tiếp tham gia vào việc hoạch định, triển khai và quản lý các chính sách, kế hoạch phát triển AI của chính phủ. Họ không chỉ chăm chỉ, mẫn cán mà còn có tư duy đột phá và rất năng động, sáng tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là gốc của mọi công việc". Muốn bắt kịp sự phát triển như vũ bão của thế giới trong thời đại AI, chúng ta cũng cần phải có được một đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm như vậy. Nhận thức rõ nhu cầu này và xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Minh họa: MẠNH TIẾN |
Thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 đề ra các giải pháp để bảo vệ cán bộ, công chức có sáng kiến giải quyết những vấn đề mới, khó, phức tạp.
Những phản ứng chính sách nói trên đã bắt đầu tạo ra một số hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là xây dựng một mô hình thể chế tạo ra sự khuyến khích và bảo đảm sự an toàn cho các cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Dưới đây phải chăng là một số yếu tố cấu thành một thể chế như vậy?
Yếu tố quan trọng đầu tiên là sự khuyến khích và ủng hộ của người đứng đầu. Trong “đêm trước” đổi mới, có rất nhiều cán bộ của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã dũng cảm “xé rào” để thúc đẩy cải cách theo cơ chế thị trường. Họ đã dám nghĩ, dám làm như vậy vì họ được những người đứng đầu ủng hộ.
Lưu mãi trong sử sách là câu nói: Chị cứ mua với giá cao, nếu chị bị đi tù thì tôi đi đưa cơm. Đây là câu nói của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh, trong một cuộc họp vào năm 1988. Lúc đó, bà Ba Thi đề xuất mua gạo từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ với giá thị trường để cung ứng cho TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của một số người cho rằng việc mua gạo với giá thị trường là vi phạm quy định của Nhà nước.
Trứ danh không kém là câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Cứ khoán sản phẩm đi, nếu có chuyện gì thì tôi đi cùng. Tôi đi tù quen rồi! (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã bị địch bắt, tù đày trong quá trình hoạt động cách mạng). Câu nói này được nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói trong một cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam vào năm 1988. Lúc đó, việc thực hiện khoán sản phẩm đang gặp phải sự phản đối của một số người cho rằng việc này là vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế.
Ngày nay, trên các lĩnh vực và tại các địa phương, chúng ta cần biết bao nhà lãnh đạo như nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt!
Yếu tố thứ hai là khắc phục tình trạng chồng chéo, xung đột của các văn bản pháp luật. Rõ ràng, khi pháp luật chồng chéo và xung đột thì cán bộ, công chức làm kiểu gì cũng sẽ sai phạm. Đơn giản là vì tuân thủ luật này thì sẽ vi phạm luật khác. Trong bối cảnh như vậy, sẽ có một bộ phận cán bộ nghĩ tiêu cực rằng: Không làm gì cả là vừa an toàn vừa có lợi. Càng làm nhiều thì càng sai phạm nhiều. Cuối cùng, không khéo những người không làm gì cả sẽ được lên chức, những người dám quyết đáp để thúc đẩy công việc có thể gặp rủi ro.
Để khắc phục sự chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp luật, chúng ta cần phải hoàn thiện quy trình lập pháp, mà trước hết là hoàn thiện kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, các văn bản này đang được soạn thảo phân tán ở rất nhiều bộ, ngành và phần lớn bởi những người không được đào tạo về kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tốt nhất là nên soạn thảo văn bản một cách tập trung. Tất cả văn bản quy phạm pháp luật đều cần được soạn thảo bởi một cơ quan có chuyên môn sâu về công việc này. Một cơ quan như vậy có thể là Cục Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp chẳng hạn. Các bộ chuyên môn chỉ tập trung nghiên cứu và xây dựng chính sách lập pháp. Khi chính sách lập pháp của họ được Chính phủ phê chuẩn thì sẽ được chuyển cho Cục Soạn thảo văn bản để dịch thành văn bản quy phạm pháp luật. Làm được như vậy, không chỉ chất lượng các văn bản pháp luật được nâng cao mà sự chồng chéo, xung đột cũng sẽ được khắc phục.
Yếu tố thứ ba là khắc phục tình trạng lạm dụng điều chỉnh. Không biết từ bao giờ, nhưng mỗi khi đối mặt với bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống, chúng ta đều nghĩ rằng phải ban hành pháp luật. Tuy nhiên, khi pháp luật càng nhiều thì chi phí tuân thủ càng lớn và không gian cho đổi mới, sáng tạo càng hẹp. Khi làm bất cứ một việc gì cũng phải tuân thủ 1.001 quy định chặt chẽ của pháp luật thì cán bộ, công chức còn có thể dám nghĩ, dám làm theo cách nào được đây?
Sự anh minh chính vì vậy nằm ở khả năng cân đối giữa tự do và điều chỉnh. Tự do cần thiết cho sáng tạo và phát triển. Nhưng tuyệt đối hóa tự do có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ và sự bất ổn. Điều chỉnh giúp bảo đảm trật tự và sự ổn định, nhưng lạm dụng điều chỉnh có thể tạo ra sự tốn kém và xiềng xích trói chặt chân tay của cán bộ, công chức và các tiềm năng của đất nước. Cân đối giữa tự do và điều chỉnh là một phép cân đối động. Chúng ta cần phải xây dựng năng lực thể chế bao gồm các thiết chế và các quy trình để bảo đảm được sự cân đối này.
Yếu tố thứ tư là quy chế Sandbox. Sandbox là một quy chế thử nghiệm trong tiếng Anh. Quy chế Sandbox là một quy chế pháp lý cho phép những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá thí điểm các ý tưởng, các giải pháp và cách làm mới tách khỏi môi trường thể chế hiện tại. Do được tách khỏi môi trường thể chế như trong một hộp cát nên các cán bộ, công chức sẽ không bị những quy định trùng trùng điệp điệp của hệ thống pháp luật hiện tại cản trở.
Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều phải áp dụng quy chế Sandbox để đổi mới, sáng tạo. Có thể kể ra đây như: Quy chế Sandbox cho xe tự lái của Mỹ, quy chế Sandbox cho các start-up của Hàn Quốc, quy chế Sandbox cho các fintech của Dubai...
Nước ta cũng nên sớm ban hành quy chế Sandbox để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức dám đổi mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá cho đất nước. Khi một ngành, một địa phương muốn thí điểm một sáng kiến đột phá do cán bộ, công chức đề xuất thì có thể kích hoạt quy chế Sandbox để làm công việc này.
Đất nước ta không thiếu những cán bộ, công chức có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Vấn đề là cần xây dựng một thể chế khuyến khích và bảo đảm an toàn pháp lý cho họ.
Theo qdnd.vn