Với ngành ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Yêu cầu này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập khi tới thăm, gặp mặt cán bộ, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, ngày 15/2 (mùng 6 Tết Giáp Thìn). Đây là ngân hàng trực tiếp phục vụ tam nông với đối tượng chủ yếu gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình và nông dân.
Nhắc lại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong kết quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm, chúc Tết cán bộ, nhân viên, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ảnh: Thanh Thắng).
Ông nêu bối cảnh kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn trong nước đã khiến nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp xuống thấp, ngân hàng Trung ương của nhiều nước trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất, gây áp lực không nhỏ tới sự điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bám sát chủ trương, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ rất chắc chắn và cũng rất linh hoạt, chủ động, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; giữ vững ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, theo Chủ tịch Quốc hội.
Ông khẳng định ngành ngân hàng đã đóng góp quan trọng kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp (Ảnh: Thanh Thắng).
Chủ tịch Quốc hội đồng thời ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cao và những kết quả tích cực của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã đạt được thời gian qua.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm 2024 là năm "tăng tốc" để "về đích" thực hiện các nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, ông Huệ cho rằng để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ vai trò của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia là hết sức quan trọng, đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành ngân hàng tăng cường năng lực phân tích dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới và khu vực để hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ảnh: Thanh Thắng).
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm tối đa; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn.
"Quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh", ông Huệ nhấn mạnh.
Riêng với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc tăng vốn cho đơn vị để hoàn thành tốt sứ mệnh chính trị của mình trong lĩnh vực tam nông, kinh tế tập thể...
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, được thành lập từ năm 1993 nhằm phát triển mô hình tín dụng Hợp tác kiểu mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn.
Với tính chất đặc thù, trực tiếp phục vụ tam nông, đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình và nông dân, thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã cung cấp vốn cho nhiều thành viên thuộc diện nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó tiếp cận vốn vay của các Tổ chức tín dụng khác để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo dantri.com.vn