Thủ tướng: "Hợp tác cùng có lợi thay vì tư duy thắng - thua"

Thứ 2, 11.03.2024 | 15:38:13
445 lượt xem

Đề nghị phát huy giá trị chiến lược của quan hệ Việt Nam - New Zealand, Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường và củng cố lòng tin, đẩy mạnh tư duy "hợp tác cùng có lợi" thay vì tư duy "thắng - thua".

Chiều 11/3, tại Thủ đô Wellington, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, gặp gỡ các giảng viên, sinh viên và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Victoria Wellington.

Đại học Victoria là đại học của New Zealand đầu tiên triển khai đào tạo song bằng với Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai giảng dạy nghiên cứu sinh, tiến sĩ kinh tế; tham gia 3 chương trình nâng cao năng lực và các khóa học tiếng Anh cho cán bộ Nhà nước Việt Nam.

6 mâu thuẫn lớn trong quan hệ quốc tế

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn câu ngạn ngữ của người Maori: "Để nuôi dạy một đứa trẻ thành người cần đến công sức của cả buôn làng. Để một người thành công, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng".

Ông cho biết người Việt Nam cũng có câu tương tự: "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Thủ tướng: Hợp tác cùng có lợi thay vì tư duy thắng - thua - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Trường Đại học Victoria của New Zealand (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Với chuyến thăm này, chúng tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand lên tầm cao mới, phát triển sâu rộng và mạnh mẽ hơn trong tương lai", Thủ tướng khẳng định.

Bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ chia sẻ 3 nội dung lớn về tình hình thế giới, khu vực; tầm nhìn và khát vọng phát triển của Việt Nam và tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand trong thời gian tới.

Về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng cho rằng thế giới ngày nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đặc biệt, có 6 mâu thuẫn lớn nổi lên trong quan hệ quốc tế: giữa chiến tranh và hòa bình; giữa cạnh tranh và hợp tác; giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; giữa phát triển và tụt hậu; giữa tự chủ và phụ thuộc.

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các công nghệ đột phá (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ 5G…) đã và đang làm thay đổi thế giới, buộc mọi chủ thể đều phải thích ứng, thay đổi.

Thủ tướng: Hợp tác cùng có lợi thay vì tư duy thắng - thua - 2

Các sinh viên trường Đại học Victoria nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng đánh giá, không ở nơi đâu trên thế giới, những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế lại thể hiện rõ nét như ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Bên cạnh những cơ hội lớn, ông cho rằng khu vực cũng đứng trước nhiều thách thức khi tập trung nhiều điểm nóng, đồng thời là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước; dễ có nguy cơ xảy ra xung đột và có thể lan rộng.

"Nói một cách khái quát về thế giới ngày nay, tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh, tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng, tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột", Thủ tướng chia sẻ.

Lấy chân thành làm cơ sở thúc đẩy đối thoại

Chia sẻ về tầm nhìn và khát vọng của Việt Nam, Thủ tướng nhắc lại những mất mát của dân tộc trong chiến tranh và cho rằng Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình.

"Hòa bình, ổn định là tài sản chung vô giá, là điều kiện cần cho phát triển, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về mục tiêu tổng quát, ông cho biết Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Việt Nam xác định 3 yếu tố nền tảng gồm xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam cũng xác định 8 định hướng lớn, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng: Hợp tác cùng có lợi thay vì tư duy thắng - thua - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu định hướng đưa quan hệ Việt Nam - New Zealand lên tầm cao mới (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đó là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Thủ tướng cũng nhắc định hướng tạo chuyển biến rõ nét trong 3 đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh đó là định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tập trung phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Chính sách quốc phòng "4 không" cũng là một định hướng được Thủ tướng nhắc đến. Cùng với đó là mục tiêu xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, toàn diện; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Theo Thủ tướng, định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là: Lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài; chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Đưa quan hệ Việt Nam - New Zealand lên tầm cao mới

Trong mối quan hệ với New Zealand, Thủ tướng khẳng định New Zealand là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực và là một trong số ít các Đối tác chiến lược của Việt Nam trên toàn cầu.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của cả hai nước, tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới, Thủ tướng chia sẻ một số định hướng lớn.

Một là, cần phát huy giá trị chiến lược của quan hệ Đối tác Việt Nam - New Zealand, để cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Thủ tướng: Hợp tác cùng có lợi thay vì tư duy thắng - thua - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các sinh viên Việt Nam tại Đại học Victoria (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, tăng cường và củng cố lòng tin, đẩy mạnh tư duy "hợp tác cùng thắng, cùng có lợi" thay vì tư duy "thắng - thua"…

Hai là hỗ trợ nhau phát huy hơn nữa các thế mạnh của mỗi nước, phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ nhau mở rộng, đa dạng hóa quan hệ, góp phần nâng cao năng lực tự cường của mỗi quốc gia.

"Việt Nam mong muốn cùng New Zealand tiên phong trong các nỗ lực về bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu", theo lời Thủ tướng.

Ba là tạo động lực mới cho quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand, khái quát thành 3 cặp từ khóa: "ổn định và củng cố"; "tăng cường và mở rộng" và "tăng tốc và bứt phá".

Người đứng đầu Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để quan hệ hai nước hướng tới một tầm cao mới, góp phần giúp mỗi nước giữ vững độc lập, chủ quyền, hòa bình và phát triển", Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.

Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm New Zealand, cũng là hoạt động cuối cùng trong chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia và thăm chính thức Australia và New Zealan.

Tối cùng ngày, Thủ tướng, Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New Zealand lên đường về nước.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-hop-tac-cung-co-loi-thay-vi-tu-duy-thang-thua-20240311145212058.htm

  • Từ khóa