Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" (7/5/1954-7/5/2024), Cục Công tác Ðảng và Công tác chính trị chỉ đạo Ban Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn (Bộ Công an) tổ chức chuyến về nguồn đầy ý nghĩa. Ðây là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm của cán bộ đoàn viên, hội viên, người lao động Công an nhân dân thực hiện phong trào "Dân vận khéo".
Ðoàn công tác Bộ Công an trao tủ sách với 1.200 đầu sách tặng Trường phổ thông dân tộc bán trú và trung học cơ sở xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Ðiện Biên.
Đến với đồng bào nơi biên giới bằng cả tấm lòng tri ân và thiện nguyện, chuyến đi đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh đẹp, uy tín của lực lượng Công an nhân dân trong lòng người dân; đồng thời, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Ðoàn công tác tổ chức dâng hương tại Ðền thờ Liệt sĩ chiến trường Ðiện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ Ðồi A1, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Mường Chà, tỉnh Ðiện Biên và liệt sĩ công an nhân dân.
Hoạt động nêu trên đã gây xúc động mạnh mẽ cho tất cả các thành viên tham gia bởi không chỉ tri ân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống góp phần vào chiến thắng lừng lẫy năm xưa, mà ngay cả trong thời bình hôm nay, máu của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nói chung và của cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng vẫn đổ xuống vì sự bình yên của nhân dân, của đất nước.
Phó Trưởng ban Phụ nữ Công an nhân dân, Thượng tá Nguyễn Thị Quế xúc động chia sẻ: "Trước anh linh của các liệt sĩ, chúng tôi nguyện tiếp bước cha anh, không ngại gian khổ, hy sinh, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc và nhân dân cần, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống. Ðến thăm một số gia đình liệt sĩ, chúng tôi thật vui và cảm động khi biết nhiều con cháu của các gia đình liệt sĩ vẫn đang viết tiếp truyền thống của thế hệ cha anh, kiên cường rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong ngành công an, trở thành những đồng chí, đồng nghiệp của chúng tôi. Mong các gia đình liệt sĩ luôn vững tin rằng sự hy sinh của người thân của họ luôn được các thế hệ công an trân trọng".
Trong chuyến đi ý nghĩa này, tại huyện Mường Chà, đoàn công tác đã tổ chức Chương trình "Xuân ấm biên cương". Tại đây, các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện 19/8 (Bộ Công an) đã khám, tặng quà, cấp phát gần 400 cơ số thuốc tặng nhân dân trên địa bàn; trao 20 mô hình sinh kế tặng nhân dân; trao tủ sách, 15 máy tính tặng trường tiểu học, trung học, hội phụ nữ xã và công an xã Na Sang; trao 40 suất học bổng, mỗi suất một triệu đồng tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao 500 bộ quần áo đồng phục tặng học sinh trường trung học cơ sở; trao đồ dùng học tập, quần áo ấm, dép tặng các cháu nhỏ hai trường mầm non…; đồng thời, hỗ trợ sinh kế (thỏ giống, 10 máy thái sắn, kiến thức chăn nuôi trồng trọt); hỗ trợ kinh phí xây dựng bốn "Mái ấm tình thương", "Mái ấm công đoàn", "Nhà 19/8" tặng hội viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn…
Ở tuổi 64, bà Ðào Thị Hặc, ở Tổ 1, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà cho biết, đây là lần đầu được các y sĩ, bác sĩ công an khám, chữa bệnh, cho nên bà con háo hức có mặt tại Trung tâm y tế thị trấn từ sáng sớm.
Bà Hặc phấn khởi khoe: "Không chỉ được khám, chữa bệnh miễn phí, chúng tôi còn được y sĩ, bác sĩ tư vấn cách sống xanh, sống khỏe, hiểu được tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ. Bà con đều mong muốn hằng năm được tham gia các hoạt động thiết thực như thế này".
Ðiều khó khăn nhất tại địa bàn xã biên giới chính là địa hình đi lại khó khăn, kinh tế kém phát triển, chủ yếu thuần nông, tự cung tự cấp. Nhiều hộ dân lên nương trồng sắn, muốn vận chuyển đến nơi tiêu thụ nhưng do hàng hóa cồng kềnh, khó chuyên chở, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ. Việc được chương trình tài trợ máy thái sắn khiến người dân rất phấn khởi, vì từ nay năng suất thái sắn sẽ tăng cao, tiết kiệm được thời gian.
Không chỉ được hỗ trợ sinh kế, hội viên phụ nữ xã Na Sang còn được nhận món quà ý nghĩa là gần 400 bộ áo dài. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Na Sang Sùng Thị Máy chia sẻ: "Xã Na Sang có hơn 1.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó, nhiều gia đình còn khó khăn. Những ngày lễ, Tết, ngày 8/3 hay 20/10, hội viên phụ nữ cũng muốn diện áo dài nhưng không có. Từ nay, các bà, các mẹ, chị em phụ nữ sẽ được mặc những chiếc áo dài đẹp đẽ này trong những dịp hoạt động, sinh hoạt chung của xã, những ngày lễ, Tết, sự kiện trọng đại của gia đình, dòng họ.
Thời gian qua, những món quà thiết thực của đoàn viên, hội viên, người lao động trong Công an nhân dân đến từ các Chương trình "Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Tháng 3 biên giới", "Tháng công nhân, tháng an toàn vệ sinh lao động" đã mang những giá trị thiết thực đến với những số phận, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mang niềm vui, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân nơi biên cương của Tổ quốc. Chương trình đã trở thành điểm tựa, tạo động lực để nhân dân ở khu vực biên giới xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát động trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên, vận động nguồn lực cùng đồng hành của các đơn vị, làm tốt hơn nữa các hoạt động hướng về miền biên giới của Tổ quốc, những địa bàn gắn với những chiến thắng lịch sử; coi đây là một hoạt động thường xuyên, góp phần tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chung tay hướng về các xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số".
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/den-voi-dong-bao-bang-ca-tam-long-post799742.html