Du học sinh Việt không về nước sau khi học: Bộ trưởng Ngoại giao nêu lý do

Thứ 3, 19.03.2024 | 15:02:34
461 lượt xem

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đều có nguyện vọng về nước cống hiến, nhưng còn băn khoăn khi nước bạn tạo điều kiện để các em ở lại làm việc sau khi học.

Chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. 

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng không ít du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác khi đi học.

Ông Hòa đặt câu hỏi Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp, trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại trật tự kỷ cương trong nước. 

Trả lời, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sau đại dịch Covid-19, việc giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai rất mạnh mẽ. Năm 2022, chúng ta chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân ra nước ngoài nhưng con số này tăng lên đến hơn 10 triệu lượt người vào năm 2023.

Đồng thời, số lượng lao động, du học sinh của Việt Nam quay trở lại các nước để học tập cũng tăng lên rất nhanh. 

Du học sinh Việt không về nước sau khi học: Bộ trưởng Ngoại giao nêu lý do - 1

Từ điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Sơn thừa nhận trong bối cảnh đó, có xảy ra tình trạng lao động, du học sinh vi phạm pháp luật ở các nước, ảnh hưởng đến hợp tác của Việt Nam với các đối tác.

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ ngành liên quan xây dựng quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động sang nước ngoài. Việc này nhằm đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của nước sở tại cũng như quan hệ hai nước.

"Du học sinh của ta ra nước ngoài rất đông. Qua cuộc gặp với lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, những người ở lại đều có nguyện vọng muốn về đất nước cống hiến, phục vụ nhưng cũng còn băn khoăn khi bên nước bạn tạo nhiều điều kiện để các em có thể ở lại làm việc sau khi học", ông Sơn nói. 

Du học sinh Việt không về nước sau khi học: Bộ trưởng Ngoại giao nêu lý do - 2

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo Bộ trưởng Ngoại giao, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khi trả lời kiều bào cũng nói rõ, nếu học sinh thấy phát huy được công việc của mình sau khi học xong thì ở lại, nhưng phải đúng quy định pháp luật của nước sở tại.

Việc này vừa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các nước, quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị hiện nay cũng như sau này của Việt Nam với các đối tác đó.

"Tri thức của các bạn được trau dồi thì sau này về đóng góp cho đất nước cũng tốt hơn. Một số trường hợp trốn ở lại, chúng tôi sẽ phối hợp với bộ ngành để thông tin, làm việc với đối tác để các bạn hiểu bối cảnh hiện nay", ông Sơn cho biết.

Đang đàm phán với 80 nước miễn thị thực ngoại giao, công vụ

Tại phiên chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu thực tế hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam, trong khi việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại.

Du học sinh Việt không về nước sau khi học: Bộ trưởng Ngoại giao nêu lý do - 3

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu câu hỏi chất vấn tại hội trường Diên Hồng (Ảnh: Phạm Thắng).

Trả lời, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong xu thế mở cửa và hội nhập như hiện nay, không phải chỉ các nước đến với Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu lớn đi ra bên ngoài, vừa để làm ăn, vừa để du lịch, thăm thú.

Chính vì tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ ngành để đơn giản hóa các thủ tục về xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài, cũng như đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Ông Sơn nêu dẫn chứng gần nhất, Quốc hội thông qua việc xuất nhập cảnh với công dân Việt Nam cũng như công dân nước ngoài, tạo điều kiện mở rộng thời gian lưu trú tại Việt Nam, tăng cường cấp visa du lịch.

Cùng với đó, trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ Ngoại giao đang đàm phán 80 nước miễn thị thực song phương về hộ chiếu ngoại giao, công vụ. Việc này nhằm tạo điều kiện lãnh đạo, bộ ngành địa phương đi nước ngoài được thuận tiện. 

Du học sinh Việt không về nước sau khi học: Bộ trưởng Ngoại giao nêu lý do - 4

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng).

Trả lời thêm câu hỏi về giải pháp đàm phán, tháo gỡ khi việc xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường lớn như EU còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất.

Thời gian qua, nước ta đã đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do với 60 đối tác trên thế giới để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Ngay trong đại dịch khó khăn, xuất khẩu của ta sang các đối tác tiếp tục tăng.

Chỉ riêng năm 2023, số lượng sang một số nước EU bị giảm. Ông Sơn lý giải điều này xảy ra do chính các nước bạn cũng gặp khó khăn về kinh tế nên nhu cầu nhập khẩu giảm. Cùng với đó, các nước có thêm những quy định, chính sách riêng về các sản phẩm. 

Ông Sơn khẳng định Bộ Ngoại giao đã thông tin đến doanh nghiệp về những quy định mới này để tiếp tục tháo gỡ cho thị trường xuất nhập khẩu trong thời gian tới. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/du-hoc-sinh-viet-khong-ve-nuoc-sau-khi-hoc-bo-truong-ngoai-giao-neu-ly-do-20240318153430566.htm

  • Từ khóa