Nghệ thuật phân tán địch trên chiến trường Điện Biên Phủ

Chủ nhật, 28.04.2024 | 15:18:44
539 lượt xem

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có nghệ thuật phân tán địch trên các chiến trường, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân.

"Tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật phân tán địch trên các chiến trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ" là nội dung chính trong bài tham luận của Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân (nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng).

Bài tham luận được ông gửi tới Tọa đàm "Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay", Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12 phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân tổ chức hồi đầu tháng 4.

Quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, một "pháo đài bất khả chiến bại" cả về lực lượng, cả về vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu mặt đất và trên không, hệ thống công sự, boogke…, nhằm "nghiền nát" lực lượng chủ lực của Việt Minh.

Do đó, để giành thắng lợi, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm tan rã hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân, đế quốc.

Nghệ thuật phân tán địch trên chiến trường Điện Biên Phủ - 1

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy nhấn mạnh: "Địch tập trung quân sự đông để tạo nên sức mạnh. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn...".

Hai tháng sau, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, bộ đội ta tiến lên Tây Bắc. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, bộ đội ta cũng tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào.

Do đó, quân Pháp buộc phải phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc, Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".

Cuối năm 1953, sau khi thị sát Nà Sản và phân tích, đánh giá tình hình địch ở Ðiện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cân nhắc, đưa ra hai phương án đánh nhanh và đánh chắc để phân tích.

Qua trao đổi, Trưởng và Phó Đoàn chuyên gia Trung Quốc là Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh đều chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh", dùng mũi thọc sâu "tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn", quyết định nổ súng vào 17h ngày 25/1/1954.

Tất cả đều chuẩn bị nhanh chóng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng, gần ngày 25/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn thời gian nổ súng 24 tiếng trong khi các đơn vị đã sẵn sàng chờ lệnh.

Đại tướng quyết định triệu tập họp Đảng ủy mặt trận để trình bày những suy nghĩ về phương án tác chiến mới phù hợp với so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch.

Tại hội nghị ngày 26/1/1954, với trọng trách là Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân khi cùng với tập thể Đảng ủy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm chiến dịch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Đây là "quyết định lịch sử", có cơ sở khoa học, vì so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi.

Nghệ thuật phân tán địch trên chiến trường Điện Biên Phủ - 2

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này (Ảnh Tư liệu: TTXVN).

Lúc này, quân đội Pháp không còn ở trạng thái lâm thời phòng ngự mà đã trở thành "tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố", pháo đài "bất khả xâm phạm", được trang bị vũ khí tối tân.

Trong khi đó, dù được Trung Quốc, Liên Xô giúp đỡ về vũ khí đạn dược, quân ta vẫn còn nhiều hạn chế, không thể so với xe tăng, máy bay, pháo binh, quân đội chuyên nghiệp của Pháp.

Cân nhắc tính mạng từng người lính trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định không thể mạo hiểm dốc toàn lực để "đánh nhanh, thắng nhanh".

Nghệ thuật phân tán địch trên các chiến trường

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận định thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có nghệ thuật phân tán địch trên các chiến trường.

Theo phương án tác chiến Xuân 1954 đã được Bộ Chính trị thông qua, từ ngày 10 đến 25/12/1953, quân ta tiến công lực lượng địch ở Lai Châu, tiêu diệt 20 đại đội địch, tạo thế uy hiếp mạnh Điện Biên Phủ.

Cuối tháng 12/1953, quân ta phối hợp với quân Pa-thét Lào phá tan "tuyến cấm" của quân Pháp ở vĩ tuyến 18, giải phóng nhiều vùng thuộc Trung Lào.

Nghệ thuật phân tán địch trên chiến trường Điện Biên Phủ - 3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu).

Đầu tháng 2/1954, quân ta tiến công địch ở Kon Tum và vùng bắc Tây Nguyên, bước đầu làm thất bại cuộc hành quân Átlăng của quân Pháp; đánh bại hoàn toàn âm mưu bình định vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú, góp phần "chia lửa" với chiến trường Điện Biên Phủ.

Các đòn tiến công chiến lược cùng với hoạt động của quân và dân ta ở vùng sau lưng địch khiến cho lực lượng cơ động của Pháp bị phân tán trên nhiều hướng, khiến quân Pháp chỉ có thể bố trí tại Điện Biên Phủ 17 tiểu đoàn trong số 52 tiểu đoàn cơ động, và 20 tiểu đoàn để giữ vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn.

Ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội ta tổ chức lực lượng và thế trận vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm, bao vây từng trung tâm đề kháng.

Bộ đội ta xây dựng trận địa của bộ binh, pháo binh, Sở chỉ huy chiến dịch, Sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn trong lòng đất để bảo đảm an toàn, cũng như để thông tin chỉ huy không bị gián đoạn.

Bộ đội ta còn bố trí pháo cao xạ để chặn tiếp tế hàng không của đối phương và bảo vệ đường tiếp tế vận tải của ta.

Trong khi quân ta ngày càng siết chặt vòng vây, quân Pháp không thể tăng cường lực lượng cho chiến trường Điện Biên Phủ, vì lực lượng cơ động đã bị ghìm chặt trên những địa bàn chiến lược.

Phối hợp với Điện Biên, quân và dân ta tổ chức những trận đánh vào các sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), ngăn chặn cầu hàng không tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Điều đó cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa chiến trường chính Tây Bắc - Điện Biên Phủ với các chiến trường khác, đã tạo thế bao vây, tiến công liên tục, đẩy đối phương đi tới thất bại.

Như vậy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã thực hiện đúng sự chỉ đạo chiến lược: "đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; giữ vững thế chủ động, kiên quyết tiến công".

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, chúng ta đã phát triển nghệ thuật thu hút, giam chân lực lượng cơ động của quân Pháp, phân tán địch trên các chiến trường, giải phóng nhiều vùng rộng lớn và đặc biệt bao vây chặt quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở" của đối phương.

Chính người Pháp sau này phải thừa nhận "đối thủ (Việt Minh) yếu hơn về số lượng đã bẻ cong ý chí của đối phương bằng cách dựa vào điểm yếu của đối phương".


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghe-thuat-phan-tan-dich-tren-chien-truong-dien-bien-phu-20240418204255067.htm

  • Từ khóa