Máu có thể đổ, đường không thể tắc

Thứ 3, 30.04.2024 | 15:42:28
460 lượt xem

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tôi nhớ lại những năm tháng sống và chiến đấu ở Trường Sơn, trên các cương vị từ Trưởng phòng Tổ chức đến Chính ủy Binh trạm, rồi Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn (nay là Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, mà còn có một vị trí chiến lược quan trọng như là xương sống của bán đảo Đông Dương, là nơi đứng chân của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến trường quan trọng.

Chính vì vậy, đây cũng là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá với những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh vô cùng hiện đại nhằm phá hoại, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược. Từ năm 1959 đến 1975, đế quốc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay (trong đó có 26.500 lần sử dụng B-52), trút xuống Trường Sơn 7,7 triệu quả bom, trọng lượng 4 triệu tấn bom đạn các loại (chiếm 50% tổng số bom đạn Mỹ giội xuống toàn Việt Nam). Hơn thế nữa, chúng còn huy động lực lượng quân đội Mỹ và ngụy tiến hành hàng nghìn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt đường Trường Sơn đến mức “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn”.

Máu có thể đổ, đường không thể tắc

Trước giờ xuất kích của Tiểu đoàn Ô tô 102, Binh trạm 32, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Ngày ấy, theo phương châm "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", Bộ đội Trường Sơn chúng tôi chung một ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: Công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đưa Đường Hồ Chí Minh ngày càng “vươn sâu, vươn xa”: Xây dựng nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 20.000km đường xe cơ giới; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược... chi viện cho các chiến trường.

Lực lượng giao liên Trường Sơn mở 3.000km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn. Lực lượng thông tin Trường Sơn đã xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki-lô-mét dây thông tin các loại, bảo đảm sự chỉ huy thông suốt toàn chiến trường Trường Sơn và từ Tổng hành dinh Hà Nội qua Trường Sơn tới thẳng các hướng chiến trường. Bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã mở gần 1.900km đường ống xăng dầu ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Đường ống xăng dầu Trường Sơn là một kỳ tích vĩ đại về trí sáng tạo và sức mạnh của con người, góp phần tạo nên sức mạnh, hiệu quả của công tác chi viện chiến lược cho cách mạng của 3 nước Đông Dương... 

Trong 16 năm (từ năm 1959 đến 1975), Bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu hơn 2.500 trận, diệt hơn 18.700 tên địch, bắt 1.200 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch và phá hủy hàng vạn tấn vũ khí cùng phương tiện chiến tranh khác của địch... góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch lớn: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch giải phóng Quảng Trị (năm 1972), Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng (năm 1975).

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch (2 sư đoàn ô tô: 471 và 571, 3 sư đoàn công binh: 470, 472 và 473, Sư đoàn Phòng không 377). Các đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch, kết thúc sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đánh giá: "Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và Quân đội ta. Không có tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Chặng đường 16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/mau-co-the-do-duong-khong-the-tac-774909

  • Từ khóa