Lực lượng công an nhân dân góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ 4, 01.05.2024 | 09:31:29
528 lượt xem

Sau chiến dịch Biên giới 1950, Pháp dần rơi vào thế bị động. Song song với việc triển khai quân sự, từ những năm 1951, Pháp đã đẩy mạnh sử dụng gián điệp biệt kích nhảy dù, móc nối, kích động số chống đối, phản động ở những khu vực được giải phóng, nhất là số dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía bắc Việt Nam.

Một phần bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Pháp đã cải tạo, nâng cấp Trường Biệt kích Vũng Tàu thành trường đào tạo du kích chống Cộng và thành lập Cơ quan tác chiến trực thuộc Cơ quan tình báo chiến lược Pháp (SDECE), với tên gọi là Binh đoàn Biệt kích Hỗn hợp nhảy dù (Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés, viết tắt là GCMA). GCMA thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Tổng Tư lệnh quân viễn chinh, có nhiệm vụ chính là xâm nhập khu vực Việt Minh kiểm soát và gây nên thế thường xuyên bất ổn ở hậu phương đối thủ, đặc biệt là ở địa bàn dân tộc ít người như Thổ, Thái, Nùng, H’Mông, Mường…

Trong suốt thời gian trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp đã chỉ đạo CGMA tăng cường lực lượng nhảy dù xuống các địa phương vùng núi, trang bị nhiều vũ khí, phương tiện vật chất, với âm mưu thành lập “xứ Mường tự trị”, “xứ Thái tự trị”, “xứ Mèo tự trị”, nhằm phá hoại hậu phương kháng chiến, chặt đứt các tuyến đường vận chuyển của ta cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Thống kê đến cuối năm 1953, GCMA đã tập hợp bốn cụm gián điệp biệt kích ở Lào Cai; ba khu biệt kích ở Sơn La, trong đó có 15 cây số đường huyết mạch hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ-số 41 (nay là Quốc lộ 6); đến tháng 8/1953, quân số do GCMA chỉ đạo hoạt động ở địa bàn Sơn La lên đến hơn 3.500 tên. Trên địa bàn Lai Châu, Pháp đã cho nhiều toán GCMA nhảy dù xuống, tập hợp số lực lượng phản động, hình thành các cụm phỉ lớn, gây bạo loạn ở một số địa bàn thuộc phía bắc tỉnh Lai Châu.

Để phá tan âm mưu, ý đồ của địch, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó lực lượng công an xác định: “Công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn này” (1).

Bộ Công an đã thành lập “Ban Công an tiền phương” ở Bộ và các tỉnh phía bắc chủ trì, tổ chức bảo vệ chiến dịch. Ban Công an tiền phương đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ tốt đội ngũ dân công, bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của tình báo, gián điệp, biệt kích, phỉ, phản động ở cả vùng hậu phương và trên toàn tuyến mặt trận nói chung, GCMA nói riêng. Cụ thể là:

Thứ nhất, lực lượng công an đã chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch; phối hợp chặt chẽ các lực lượng, đặc biệt là với lực lượng quân đội để hóa giải, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động ám sát từ phía GCMA của Pháp. Tại những khu vực có cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, lực lượng công an đã phát động phong trào “Phòng gian, bảo mật”, tổ chức cho quần chúng tham gia giám sát; kịp thời phát hiện bọn gián điệp.

Ở những địa bàn Bộ Chỉ huy Chiến dịch đóng quân, lực lượng công an phối hợp lực lượng bảo vệ quân đội thiết lập trạm gác và thành lập các đội tuần tra, canh gác, bảo vệ. Cùng với đó là, phối hợp bảo vệ trên các tuyến đường, nhất là ở những đầu mối giao thông, những nơi hiểm trở, qua đó đã bảo đảm tuyệt đối an toàn của cơ quan đầu não, cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch.

Thứ hai, lực lượng công an đã làm tốt công tác điều tra cơ bản nắm tình hình địa bàn, tuyến vận tải, tiếp tế lên mặt trận Điện Biên Phủ. Trong quá trình thực hiện chiến dịch, Pháp đã tung nhiều toán gián điệp, cài người vào nội bộ ta để thu thập thông tin. Trước tình hình đó, lực lượng công an đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, quân đội và các ngành chức năng tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn về người, hàng hóa phục vụ chiến dịch, đập tan âm mưu, hoạt động phá hoại của địch; phát động phong trào quần chúng “Phòng gian bảo mật” với khẩu hiệu “Ba không” sâu rộng trong nhân dân, nhất là dọc các tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận; tiến hành các biện pháp làm trong sạch địa bàn, bảo đảm an toàn cho quân đội, dân công, hàng hóa ra mặt trận.

Thứ ba, để đề phòng gián điệp trà trộn vào nội bộ, chống phá ta, lực lượng công an đã làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Phát động phong trào “Phòng gian, bảo mật”, “Ba không”; phổ biến quy tắc giữ gìn bí mật.

Trong các lán trại hay các trạm nghỉ chân, cán bộ công an được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên bám sát các đoàn dân công để tổ chức công tác bảo vệ. Trên các tuyến đường quan trọng, công an phối hợp lực lượng bảo vệ quân đội thành lập các ban bảo vệ, tổ chức sắp xếp, điều động các xe chở quân, kéo pháo, chở vũ khí, lương thực, hàng hóa và thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, thiết lập vành đai bảo vệ, kịp thời phát hiện bọn phá hoại, phòng, chống cháy, nổ.

Thứ tư, lực lượng công an đã chủ động phát hiện nhiều toán gián điệp biệt kích do GCMA tổ chức thực hiện và tổ chức thành công “trò chơi nghiệp vụ” tấn công vào tận trung tâm của GCMA, từ đó phát hiện từ sớm ý đồ, phương hướng xâm phạm, hoạt động của chúng. Điển hình trong chuyên án TN25, lực lượng công an đã góp phần chống cài cắm gián điệp để bóc gỡ; tung tin giả cho cơ quan tình báo Pháp, đẩy lùi kế hoạch đánh chiếm Nà Sản và một số địa bàn quan trọng ở hậu phương ta của địch.

Thứ năm, lực lượng công an đã kịp thời phát hiện và đập tan âm mưu, hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động dân tộc thiểu số gây rối, bạo loạn do GCMA thực hiện ở một số địa phương ở Lai Châu. Trước âm mưu “phỉ hóa toàn dân”, lực lượng công an đã chủ động nắm chắc tình hình phỉ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục quần chúng, nâng cao cảnh giác, không mắc mưu địch; phối hợp quân đội triển khai kế hoạch tấn công các hang ổ phỉ, sử dụng đồng bộ cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để tiêu diệt và làm tan rã các hoạt động gây phỉ của địch; trực tiếp phục vụ quân đội ta tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ thực tiễn nêu trên cho thấy, thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ là do nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của công tác đấu tranh chống gián điệp GCMA. Từ những thành công đó có thể rút ra một số bài học trong đấu tranh chống gián điệp và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Một là, thường xuyên nắm chắc tình hình, nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình về địch, xác định đúng đối tượng đấu tranh và có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, toàn diện các mặt công tác công an trong từng bối cảnh, hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Hai là, làm tốt công tác bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, bảo vệ cán bộ và phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên mọi mặt trận. Ý Đảng, lòng dân hội tụ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù.

Ba là, giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa lực lượng công an và lực lượng quân đội trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và đập tan mọi âm mưu, chiến dịch, kế hoạch của GCMA xâm nhập đánh phá miền bắc.

Bốn là, coi trọng công tác rà soát, thẩm tra, tuyển dụng cán bộ, công dân tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; tham mưu tuyển chọn cán bộ, phát động phong trào “Phòng gian, bảo mật”, “Ba không”; hướng dẫn, phổ biến quy tắc giữ gìn bí mật, cách thức phòng, chống máy bay địch bắn phá hoặc tập kích trên đường hành quân, vận chuyển.

Năm là, chủ động phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa từ sớm, từ xa âm mưu, hoạt động của nhiều toán gián điệp biệt kích do GCMA tổ chức thực hiện, trong đó lực lượng công an đã tổ chức thành công “trò chơi nghiệp vụ” đấu tranh với trung tâm chỉ huy GCMA ở nước ngoài.

Có thể khẳng định, thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ có vai trò quan trọng của lực lượng công an, nhất là làm trong sạch địa bàn, không cho GCMA lợi dụng móc nối, cài cắm phá hoại từ bên trong; đồng thời đã chủ động phát hiện, tổ chức “trò chơi nghiệp vụ” đấu tranh có hiệu quả các trung tâm chỉ đạo của GCMA, từ đó phát hiện từ sớm ý đồ, phương thức, mục tiêu, tương kế, tựu kế tung tin giả, bắt giữ nhiều toán gián điệp, thu nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại, điều chuyển hướng tấn công của quân đội Pháp bảo đảm cho sự thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/luc-luong-cong-an-nhan-dan-gop-phan-vao-thang-loi-cua-chien-dich-dien-bien-phu-post807300.html

  • Từ khóa