Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 7 sẽ diễn ra chiều 2/5 tại Nhà Quốc hội, theo quyết định triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác nhân sự là nội dung chính của kỳ họp bất thường lần này.
Chiều nay (2/5), các đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ tham dự kỳ họp bất thường lần thứ 7, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
"Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền", theo thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu, Quốc hội sẽ họp bất thường.
Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã có 6 kỳ họp bất thường. Số lượng kỳ họp bất thường bằng kỳ họp bình thường là một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội.
Quang cảnh một kỳ họp Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).
Kỳ họp Quốc hội bất thường lần này diễn ra sau một tuần kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch Quốc hội do đại biểu Quốc hội bầu tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ. Vì vậy, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Ông Vương Đình Huệ, theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở. Ông Huệ được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương nhận định ông Vương Đình Huệ cũng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ, theo Ban Chấp hành Trung ương, đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Vương Đình Huệ đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê ở Nghệ An. Ông là giáo sư, tiến sĩ Kinh tế.
Ông Huệ là Ủy viên Trung ương bốn khóa (X, XI, XII, XIII); Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và XV.
Trải qua 22 năm công tác ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính), ông Huệ sau đó lần lượt nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Tổng Kiểm toán Nhà nước; Bộ trưởng Tài chính; Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phó Thủ tướng.
Ông Huệ cũng từng giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội và được bầu làm Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV (tháng 3/2021). Ông tái đắc cử chức vụ này tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.
Theo dantri.com.vn