Nhấn mạnh không thể để nguy cơ đối với tính mạng hàng chục con người, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đề xuất cấm nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và cho thuê trọ đông người.
Vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng sáng 24/5, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An, là một sự việc hết sức bi thảm và gây hậu quả thảm khốc.
Cũng tại kỳ họp này, ông An cho biết Quốc hội sẽ xem xét việc sửa Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ. Từ phía thành viên cơ quan thẩm tra, ông An nhấn mạnh phải rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh bởi đây là loại hình có rủi ro cao và có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
"Đặc điểm của việc cháy nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh cho thuê trọ là nếu đã không cháy thì thôi, nếu cháy, khả năng dẫn đến chết người với số lượng lớn là rất hiện hữu. Và đêm hôm qua đã xảy ra câu chuyện rất thương tâm như vậy", ông An nói.
"Phải có biện pháp mạnh tay"
Nhìn nhận việc cho thuê trọ kết hợp kinh doanh hay việc thuê nhà trọ ở Hà Nội là nhu cầu bình thường, ông An cho rằng giải pháp cần tính tới tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm vào nhà xã hội, nhà ở cho thuê với người thu nhập thấp.
"Song rất tiếc, giải pháp đưa ra mới chỉ là ý tưởng, và người dân vẫn không có sự lựa chọn nào khác", đại biểu An chia sẻ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh).
Ở góc độ khác, ông nhấn mạnh "phòng hơn chống" nên khâu phòng ngừa cần được ưu tiên, bắt đầu từ chính việc nâng cao ý thức người dân.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý và các cấp chính quyền, lực lượng chức năng phải có trách nhiệm rà soát những khu vực có nguy cơ cao để kiểm soát một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng, yêu cầu trang bị bình cứu hỏa, bố trí cầu thang và lối thoát hiểm.
"Lâu nay chúng ta rà soát nhưng mới chỉ là nhắc nhở. Như trong vụ cháy ở phố Trung Kính, mái tôn ở sân bị bịt kín phía trên còn phía dưới lại kinh doanh, sửa chữa xe điện, nên kiểm tra phải yêu cầu mở lối thoát hiểm ngay, nếu không cháy chỉ có chết", ông An nhấn mạnh.
Về giải pháp lâu dài, vị đại biểu tái khẳng định phải có một hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đầu tư các dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp để giảm dần tình trạng thuê trọ, ở trọ tự phát như hiện nay. Theo ông, Hà Nội đang còn rất nhiều quỹ đất có thể tận dụng để xây nhà cho người thu nhập thấp thuê.
Hiện trường vụ cháy (Ảnh: Mạnh Quân).
Về phía chính quyền, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng "phải có biện pháp mạnh tay". Nếu rà soát trên địa bàn phát hiện nơi có nguy cơ cháy nổ cao, đe dọa tính mạng người dân và không có lối thoát, phải cưỡng chế yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát nạn.
Với đặc thù ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có rất nhiều nhà trong ngõ, ngách, hẻm cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, đại biểu Trịnh Xuân An góp ý cần có quy định cụ thể với loại hình này.
Kinh doanh mặt hàng dễ cháy ở khu dân cư, cần quy định khắt khe
Đặc thù ở các thành phố lớn ở Hà Nội, TP.HCM là nhà trong ngõ ngách rất là nhiều và họ cho thuê, cơ sở kinh doanh ở trong đấy. Vậy thì trong Luật phòng cháy, chữa cháy thiết kế có những phương án nào để nâng cao cái hiệu quả chữa cháy ở trong những cái khu vực như thế?
"Nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh với phòng trọ, tôi cho rằng chúng ta phải cấm, không thể tạo ra những rủi ro cao như vậy. Như trong trường hợp ở cháy ở Trung Kính, ngôi nhà đó ở dưới kinh doanh xe điện, nếu chập cháy tạo nên nguy cơ rất rõ ràng, khi hỏa hoạn, người dân có thể chết do ngạt khói", Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại hiện trường vụ cháy nhà trọ khiến 14 người chết ở Hà Nội (Ảnh: Hồng Phong).
Theo ông, có thể quy định rõ ràng trong luật theo hướng cấm nhà ở cho thuê trọ đông người kết hợp kinh doanh, không có hệ thống chữa cháy.
"Biện pháp này có thể hơi gắt, nhưng hữu hiệu. Chúng ta không thể đem những nguy cơ, rủi ro đó vào tính mạng mấy chục con người bởi khi cháy trong diện tích như vậy cùng hạ tầng ngõ hẹp, đường nhỏ, người ở trong rất khó có cơ hội để thoát", đại biểu An nêu quan điểm.
Ông giải thích thêm điều này không có nghĩa "không quản được thì cấm", mà đây là ngăn ngừa và dập tắt rủi ro gây chết người.
Bên cạnh đó, theo ông An, cần rà soát lại yêu cầu, tiêu chuẩn cho phép kinh doanh các mặt hàng dễ cháy ở khu đông dân cư, ví dụ kinh doanh xe điện, mút xốp, hóa chất, hàng hóa có nguy cơ cháy cao…Từ đó, cần thiết có yêu cầu khắt khe hơn về phòng cháy chữa cháy trong những trường hợp này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế các khu chung cư mini, nhà trọ hiện nay mọc lên nhiều. Nếu xử lý theo hướng tất cả khu không bảo đảm tiêu chuẩn PCCC không được cho thuê trọ sẽ dẫn đến 2 hệ lụy.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Hồng Phong).
Việc này có thể tác động tiêu cực đối với chủ đầu tư đang có phương tiện để kinh doanh. Và quan trọng hơn, nếu dừng, tất cả người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống ở các khu nhà đó không có nơi ở.
Góp ý về giải pháp, bà Nga cho rằng với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, nhiều người và ở trong ngõ sâu, cần kiểm tra kết cấu và yêu cầu đảm bảo có ít nhất một lối thoát hiểm, để khi hỏa hoạn xảy ra có thể nhanh chóng thoát hiểm.
Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh cần nâng cao công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra.
Đặc biệt, nữ đại biểu cho rằng chính quyền cần vào cuộc rà soát trên địa bàn quản lý, với khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy, có thể đe dọa tính mạng người dân nhưng không có lối thoát, phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản, mái tôn hoặc thiết kế thêm phương án thoát nạn.
Theo dantri.com.vn