Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề xuất giải quyết quyền lợi bị "treo" với 200.000 người

Chủ nhật, 26.05.2024 | 15:04:50
447 lượt xem

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất dùng kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ để giải quyết chế độ cho 200.000 lao động trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể bị "treo" quyền lợi.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nêu vấn đề này tại hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra sáng 26/5. 

Ông cho biết, vấn đề quyền lợi của người lao động bị "treo" đã tồn tại nhiều năm liền. Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xử lý cơ bản.

Cụ thể, các cơ quan đã được xử lý được hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể...

Bộ trưởng LĐ-TBXH đề xuất giải quyết quyền lợi bị treo với 200.000 người - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hải).

Về giải quyết quyền lợi của người lao động do doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những trường hợp mới phát sinh được tạm thời ghi nhận khoản đóng bảo hiểm xã hội đến đâu, người lao động hưởng đến đó.

Về phần doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội khiến người lao động bị ngắt quãng thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phần nợ này, quyền lợi chưa được ghi nhận.

Để giải quyết vấn đề, Bộ trưởng liên hệ việc Quốc hội từng cho phép xóa nợ thuế. Từ đó, ông cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ, Quốc hội xóa nợ bảo hiểm xã hội trong trường hợp này, bằng nguồn kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ. Hướng giải quyết này nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

"Hơn 200.000 người lao động bị "treo" quyền lợi bảo hiểm xã hội, trong khi đó, bảo hiểm chính là tiền của người lao động đóng góp, chứ không phải Nhà nước hay tư nhân đóng cho họ", Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng LĐ-TBXH đề xuất giải quyết quyền lợi bị treo với 200.000 người - 2

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bên cạnh đề xuất giải quyết quyền lợi triệt để cho những lao động đang bị "treo" quyền lợi do doanh nghiệp phá sản, giải thể nợ bảo hiểm xã hội, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động.

"Đó là việc kết nối, liên thông Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội mới và Luật Việc làm. Rõ ràng, những đạo luật này liên quan sát sườn với nhau", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Về vấn đề tạo việc làm bền vững, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện các đề án liên quan Nghị quyết 42 của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết 06 của Chính phủ về xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Tiếp nữa, Bộ trưởng nêu vấn đề tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt liên quan đến an toàn vệ sinh lao động.

"An toàn, vệ sinh lao động là vấn đề rất day dứt. Sao Tháng công nhân, Tháng an toàn vệ sinh lao động mà tình trạng tai nạn, mất an toàn lại xảy ra nhiều hơn", Bộ trưởng trăn trở.

Theo số liệu của các cơ quan Bảo hiểm xã hội, 206.000 lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh đã phá sản, giải thể trên cả nước thời gian qua vẫn đang được giải quyết các chế độ theo quy định.

Tính đến tháng 6/2023, 30.241 người lao động đã được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; 34.575 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.

Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.

Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi nhận thời gian người lao động được đóng đến đâu hưởng đến đó và không tính thời gian bị nợ. Sau này, nếu doanh nghiệp đóng số nợ hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì người lao động tiếp tục được ghi nhận thêm.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/an-sinh/bo-truong-ld-tbxh-de-xuat-giai-quyet-quyen-loi-bi-treo-voi-200000-nguoi-20240526132343196.htm

  • Từ khóa