Yêu cầu Hà Nội nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai, song Bộ Chính trị lưu ý cần tính toán kỹ lưỡng vị trí để đảm bảo sự phù hợp và tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và địa phương lân cận.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Khẳng định vị thế quan trọng của Hà Nội, Bộ Chính trị yêu cầu quy hoạch Thủ đô cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại" cả trước mắt và lâu dài.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Hà Nội cần đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.
Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội tính toán kỹ lưỡng vị trí đặt sân bay thứ hai (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Trong đó, Bộ Chính trị lưu ý Hà Nội nghiên cứu dự báo, tính toán kỹ lưỡng vấn đề dân số, phù hợp với tốc độ đô thị hóa và phát triển của Thủ đô trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, cơ chế hợp tác công tư, quy hoạch, đất đai…
Về định hướng phát triển, Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển đô thị theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị... để triển khai thực hiện hai quy hoạch của Thủ đô có hiệu quả.
Hà Nội cần tính tới tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.
Đặc biệt, Bộ Chính trị lưu ý Hà Nội thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc và nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai.
"Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng Sông Hồng", theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Song song với việc này, Hà Nội cần ưu tiên triển khai sớm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Hồi cuối năm 2023, HĐND TP Hà Nội thông qua đồ án quy hoạch chung thủ đô tầm nhìn đến năm 2065. Trong đó, đồ án nêu thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng năm 2050.
Về sân bay thứ 2 - vùng thủ đô tại phía Nam, Hà Nội cho biết vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Theo dantri.com.vn