Kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV: Đại biểu thảo luận tại tổ về một số dự thảo luật, nghị quyết liên quan đến công chứng và thuế giá trị gia tăng

Thứ 3, 18.06.2024 | 00:00:00
400 lượt xem

Chiều 17/6, tiếp tục đợt làm việc thứ 2 trong Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang. Tham dự phiên thảo luận tại tổ có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1

3

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại tổ 13

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành Phiên thảo luận

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Thảo luận tại Tổ 13, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng hiện hành. Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng. Các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan, đặc biệt là với các luật vừa được Quốc hội thông qua như: Luật Đất đai; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Bộ Luật dân sự…. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với một số luật khác có liên quan như: Luật Viên chức,…

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đồng tình với các nội dung sửa đổi bổ sung và cho rằng, quy định như tại dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Tuy nhiên, theo các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, trong điều kiện hiện nay, công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người nên việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý. Do đó, trước mắt dự thảo Luật cần quy định rõ chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế... như kinh nghiệm nhiều nước theo mô hình công chứng nội dung hiện nay. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định lĩnh vực được sử dụng công chứng điện tử mà không giao Chính phủ quy định như khoản 2 Điều 59 Dự thảo.

Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến vào Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Đối với Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: Đối tượng không chịu thuế (Điều 5); về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng (Điều 8); về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (Điều 14); về các trường hợp hoàn thuế (Điều 15); về trình tự, thủ tục hoàn thuế Giá trị gia tăng …

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)”. Thảo luận về nội dung này đã có 10 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu nêu.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-xv-dai-bieu-thao-luan-tai-to-ve-mot-so-du-thao-luat-nghi-quyet-lien-quan-den-c-5011972.html

  • Từ khóa